Giá thực phẩm, xăng dầu, cước di chuyển tăng vọt dưới tác động của lạm phát nhưng điều này không ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của giới siêu giàu. Doanh số bán hàng vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ, những công ty chuyên ra mắt sản phẩm cho tầng lớp thượng lưu như Ferrari, Dior, Louis Vuitton, Versace đều ghi nhận lợi nhuận ở mức tăng, theo CNBC.
Các chuyên gia cho biết trong quá khứ, khi một cuộc suy thoái kinh tế xảy ra, hàng xa xỉ luôn là phân khúc ghi nhận sự bùng nổ, bởi người giàu thường là người cuối cùng cảm nhận được những ảnh hưởng của suy thoái. Với họ, việc tiếp tục mua sắm đồ đắt tiền trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn cũng là một cách để thể hiện địa vị.
Điển hình, công ty mẹ của LV là LVMH, tập đoàn cũng sở hữu các thương hiệu cao cấp như Christian Dior, Fendi và Givenchy, đã báo cáo doanh thu trong hai quý đầu năm 2022 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước lên 36,7 tỷ euro (37,8 tỷ USD). Phía công ty không cho biết về doanh số của các khu vực nhưng đề cập rằng châu Á có mức tăng trưởng thấp hơn do các hạn chế ở thị trường Trung Quốc nhưng sự phục hồi mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ đã giúp gia tăng doanh số. Trong đó, thời trang đồ da chiếm gần một nửa doanh thu của LVMH, vượt trội so với các mặt hàng khác với mức tăng trưởng 31% lên 18,3 tỷ USD.
Tập đoàn Kering của Pháp cho biết, vượt khỏi kỳ vọng của các nhà phân tích trong 6 tháng đầu năm, họ đã tạo ra doanh thu tổng thể là 10,1 tỷ USD (tương đương 9,9 tỷ Euro). Động lực thúc đẩy sự tăng trưởng này của năm nay đến từ Saint Laurent. Nhãn hàng do giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello và giám đốc điều hành Francesca Bellettini điều hành đã chứng kiến doanh thu toàn cầu tăng 34% lên 1,5 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường đồng hồ, sản phẩm của Rolex, Audemars Piguet và Patek Philippe, các thiết bị từ Zenith đang được săn đón, nhu cầu vượt xa nguồn cung. Doanh số bán hàng của Zenith trong 7 tháng đầu năm tăng khoảng 45% so với thành tích kỷ lục năm ngoái, cao nhất kể từ khi thương hiệu Thụy Sĩ được LVMH mua lại vào năm 1999.
Còn tại Versace, doanh thu hàng quý đã tăng gần 30% so với một năm trước đó, lên 275 triệu USD, nếu không tính đến các biến động tiền tệ. Tương tự tại công ty Capri Holdings, hiện đang sở hữu các nhãn hiệu Michael Kors và Jimmy Choo, doanh thu tổng thể đã tăng 15% lên 1,36 tỷ USD trong giai đoạn này.
Bất chấp những bất ổn kinh tế vĩ mô, Giám đốc điều hành John Idol của Capri Holdings cho biết công ty vẫn tự tin vào các mục tiêu dài hạn của mình vì “khả năng phục hồi đã được chứng minh đối với ngành công nghiệp xa xỉ”. Ông nói: “Không ai trong chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra trong nửa cuối năm với người tiêu dùng, nhưng có vẻ như ngành công nghiệp xa xỉ đang phát triển khá mạnh mẽ và lành mạnh”.
Đầu tháng này, nhà sản xuất siêu xe của Italy Ferrari cũng đã nâng kỳ vọng lợi nhuận cho năm sau, sau khi ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 1,29 tỷ euro (1,33 tỷ USD) trong quý 2/2022. Theo công ty cung cấp các dịch vụ về ôtô Car and Driver, ngay cả những chiếc Ferrari đã qua sử dụng cũng được bán với giá hàng trăm nghìn USD.
Bên ngoài thế giới xa xỉ phẩm, một số công ty cũng đang hướng tới việc đưa ra các tùy chọn đắt tiền hơn khi cung cấp dịch vụ của họ. Ví dụ, hãng hàng không Delta Air Lines đã ghi nhận sự phục hồi doanh thu mạnh mẽ hơn trong các mảng dịch vụ như hạng thương gia và hạng phổ thông cao cấp, so với các loại vé khách khác của hãng. Các công ty như Starbucks, Unilever và Kraft Heinz cũng đang tập trung vào các sản phẩm cao cấp và điều đáng nói là dường như người dùng lại yêu thích các sản phẩm này, theo CNBC.
Starbucks đã báo cáo số lượng khách hàng và doanh số bán hàng đạt kỷ lục trong quý trước, vượt qua kỳ vọng của Phố Wall. Giám đốc tài chính Starbucks Rachel Ruggeri cho biết việc thiết kế các sản phẩm đặt làm riêng là chìa khóa để tăng mức độ tương tác của khách hàng ngay cả khi dòng tiền đang eo hẹp. Kraft Heinz thì đang tham gia vào thị trường xa xỉ với việc ra mắt Bộ sưu tập HEINZ 57 vào tháng 7. Theo công ty, các loại gia vị “lấy cảm hứng từ đầu bếp” được “thiết kế để tạo thêm điều kỳ diệu cho trải nghiệm ẩm thực”. Điều này xảy ra khi công ty tăng giá sản phẩm hơn 12% do chi phí vận chuyển, nhân công và nguyên liệu đều tăng cao.
Đi trên một con đường tương tự là Mondelez. Tháng 6 vừa qua, công ty đã công bố một thỏa thuận mua lại Clif Bar & Company, trong khi tất cả các thương vụ mua lại năm 2021 của công ty, gồm Hu Master Holdings, Lion / Gemstone Topco và Gourmet Food Holdings, đều được mô tả là “cao cấp” trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022.
Paul Martin, người đứng đầu mảng bán lẻ của KPMG tại Vương quốc Anh, nói với CNBC: “Thông tin chi tiết về khách hàng là chìa khóa cho các doanh nghiệp tiêu dùng khi chi phí sinh hoạt ngày càng thắt chặt. Trong khi một số người tiêu dùng phải chi li đắn đo từng tí khi mua sản phẩm, thì cũng có trường hợp những người tiêu dùng khác vẫn có tiền để chi tiêu và chỉ quan tâm đến các sản phẩm cao cấp”.
Amrita Banta, Giám đốc điều hành của Agility Research & Strategy, công ty chuyên phân tích về những người tiêu dùng giàu có, cho biết các công ty xa xỉ phẩm có thể nhận thấy sự sụt giảm chi tiêu đối với 80% số khách hàng của họ, những người được xếp loại “gần như giàu có”, nhưng những người tiêu dùng này thường chỉ chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng. Thay vào đó, các thương hiệu xa xỉ phẩm thường chỉ dựa vào 20% khách hàng của họ - những “thượng đế” siêu giàu – để thúc đẩy phần lớn doanh số bán hàng.