Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc suy thoái bắt đầu từ cuối năm 2023 – một báo cáo ngày 5/4 của ngân hàng Đức Deutsche Bank cảnh báo.
Theo trang CNN Business, đây là lần đầu tiên một nhà băng lớn đưa ra dự báo cho rằng kinh tế Mỹ sắp suy thoái. Điều này phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn rằng Fed sẽ “hãm phanh” nền kinh tế quá mức, dẫn tới một hệ quả là đảo lộn sự phục hồi bắt đầu cách đây 2 năm sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra.
“Fed sẽ không tạo ra được một cuộc ‘hạ cánh mềm’. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt hơn sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, báo cáo của Deutsche Bank có đoạn viết.
Cơ sở của nhận định này là lạm phát đang rất nóng ở Mỹ, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đang tăng với tốc độ mạnh mẽ nhất trong 40 năm trở lại đây. Những hy vọng về việc làm phát sẽ dịu đi theo thời gian giờ đã gần như không còn, một phần bởi chiến tranh Nga-Ukraine đẩy giá hàng hoá cơ bản, đặc biệt là giá năng lượng, tăng chóng mặt.
Áp lực lạm phát đã lan rộng và ăn sâu trong nền kinh tế, đặt ra mối lo rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất nhanh và mạnh để đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Deutsche Bank nhấn mạnh việc giá năng lượng và lương thực-thực phẩm đã tăng mạnh như thế nào kể từ khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine nổ ra.
“Giờ đây, có thể nhận thấy rõ ràng rằng ổn định giá cả chỉ có thể đạt được thông qua một lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt, một lập trường sẽ gây tổn hại nhiều cho nhu cầu”, các chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank nhận định.
Nói cách khác, Fed không thể chỉ dừng ở việc làm giảm tốc nền kinh tế để kiểm soát giá cả, mà sẽ phải khiến nền kinh tế sụt tốc thực sự mới có thể đạt được mục tiêu chống lạm phát.
Phát biểu ngày 5/4, Thống đốc Fed Lael Brainard nói rằng Fed sẽ phải nhanh chóng thu hẹp bảng cân đối kế toán và nâng lãi suất “một cách có phương pháp” để làm dịu lạm phát. “Kéo lạm phát xuống là một việc cực kỳ quan trọng”, bà Brainard nói.
Dù Deutsche Bank nói rằng “có sự bấp bênh lớn” về thời điểm và mức độ chính xác của cuộc suy thoái kinh tế Mỹ mà ngân hàng này dự báo báo, nhiều khả năng suy thoái sẽ xảy ra vào quý 4/2023 và quý 1/2024. Một tin tốt là Deutsche Bank không dự báo xảy ra một cuộc suy thoái sâu và nhiều tổn thất như hai lần suy thoái gần đây nhất của kinh tế Mỹ.
Thay vào đó, ngân hàng này dự báo một cuộc suy thoái nông, với tỷ lệ thất nghiệp lập đỉnh ở mức trên 5% trong năm 2024. Mức lạm phát như vậy cũng đồng nghĩa với nhiều người lao động ở Mỹ bị sa thải, vì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 3 vừa qua là 3,6%. Dù vậy, con số thất nghiệp dự báo đó là tương đối thấp nếu so với mức 14,7% trong đợt suy thoái năm 2020 và 10% trong đợt suy thoái 2009.
Cuộc suy thoái được dự báo này sẽ kéo lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu của Fed vào cuối năm 2024, từ mức 7,9% trong tháng 2 năm nay – Deutsche Bank nhận định. “Với tỷ lệ thất nghiệp chỉ giảm chậm sau khi đạt đỉnh, lạm phát sẽ tiếp tục suy yếu và đến năm 2025 sẽ giảm về mục tiêu mà Fed đặt ra là 2%”, báo cáo nhận định.
Một số tổ chức dự báo khác gần đây cảnh báo rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ đang tăng lên, nhưng phần lớn đều không quả quyết rằng sẽ có suy thoái. Cuối tháng 3, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới ít nhất là 1/3.
“Khả năng suy thoái là khá cao và đang tăng lên cao hơn”, ông Zandi phát biểu.
Tương tự, ngân hàng Goldman Sachs nói khả năng xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ đã tăng lên mức 35%.
“Chiến tranh ở Ukraine và lệnh trừng phạt nhằm vào Nga chí ít sẽ gây giảm tốc nền kinh tế toàn cầu, và mọi chuyện thậm chí có thể còn tồi tệ hơn”, CEO ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, nhận định trong lá thư thường niên gửi cổ đông vào hôm thứ Hai tuần này. Ông Dimon nói rằng tình hình hiện nay khiến ông nhớ lại lệnh cấm vận dầu lửa vào năm 1973 khiến giá dầu tăng vọt và đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái.
Trong một bài phát biểu vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng đã có những lần trước kia Fed đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” thành công, nghĩa là tăng lãi suất lên cao để chống lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế. Ông Powell nhắc đến các năm 1965, 1984 và 1994 như những ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới cũng thừa nhận rằng không có gì đảm bảo chắc chắn lần này Fed sẽ đạt được thành công như vậy. “Không ai nghĩ rằng việc tạo ra một cuộc hạ cánh mềm sẽ dễ dàng trong bối cảnh như hiện nay”, ông Powell nói.