Trong 2020 và dự kiến cả năm 2021, vì dịch bệnh mà cả nước gần như “trắng” khách quốc tế. Chi phí từ khách nội địa là nguồn thu quan trọng nhất để duy trì hoạt động của các khách sạn, khu du lịch. Song cứ mỗi lần có chút tín hiệu vui thì lại gặp phải đợt bùng phát Covid khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa kịp hồi sức đã lại nguội lạnh.
CÔNG SUẤT THUÊ KHÁCH SẠN CHỈ KHOẢNG 25%
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản chỉ rõ, trong 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần như “đóng băng”, cả năm mới tiêu thụ được khoảng 120 sản phẩm.
Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo các chuyên gia, không chỉ do tác động của dịch bệnh mà còn do những vướng mắc về pháp lý chưa thực sự được tháo gỡ khiến bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.
Còn thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 2/2021, nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19.
Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng giảm khoảng 20 - 25% so với quý trước. Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu quý 2/2021 khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên. Nhưng sang đến nửa cuối của quý 2 thì dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh.
Tính riêng tại thị trường Hà Nội, báo cáo của Savills Việt Nam nhìn nhận, trong 6 tháng đầu năm nay, công suất phòng khách sạn đạt 25%, giảm 8 điểm % theo năm. Tới cuối quý 2/2021, Hà Nội có năm khách sạn 3 ao đang tạm đóng cửa do Covid và để sửa chữa, ngoài ra, 10 khách sạn 3-5 sao đã được chọn làm địa điểm cách ly.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), việc khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả trong thực tế.
KHÓ KHĂN NHƯNG VẪN NHIỀU TRIỂN VỌNG
Bối cảnh này đã khiến nhiều chủ khách sạn và các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng lâm vào cảnh lao đao. Ví như, sau nhiều năm có lãi, đến 2020, doanh thu của tập đoàn CEO giảm đến 70% so với năm trước đó, trừ hết các khoản chi phát sinh, tập đoàn lỗ 103 tỷ đồng. Trong quý 2/2021, CEO tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 126,7 tỷ đồng, nâng khoản lỗ 6 tháng đầu năm lên con số gần 164,8 tỷ đồng.
Hay công ty Hoà Bình, do không thể “cầm cự” thêm nữa, đã thông báo tới từng khách hàng của dự án DanangGoldenbay cho biết, dự án gặp nhiều khó khăn bởi tác động của Covid nên phải tính đến việc bán cả toà nhà. Trước đó, chủ đầu tư dự án này đã cam kết với khách hàng chia lợi nhuận tỷ lệ 70/30 nhưng sẽ không thấp hơn mức lợi nhuận: Năm thứ 1: 8%; Năm thứ 2: 9%; Năm thứ 3: 10%; Năm thứ 4: 11%; Năm thứ 5: 12%; Từ năm thứ 6 – 10: lợi nhuận sẽ được điều chỉnh tăng giảm 10% so với lợi nhuận của năm thứ 5, tùy theo tình hình thực tế.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, Hoà Bình vẫn thực hiện trả lợi nhuận cho khách hàng từ 2017 đến nay, mặc dù trong hơn 1 năm qua, mỗi tháng công ty đã phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng để duy trì hoạt động. Nếu trước đây, giá thuê phòng là 2-3 triệu/đêm thì thời gian qua giảm xuống chỉ còn khoảng vài ba trăm ngàn/đêm, nhưng công suất hoạt động chỉ đạt 20-30%, doanh thu cũng chỉ còn 3% so với trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động, nâng cấp, bảo dưỡng vận hành… là rất lớn. Với đợt bùng phát dịch lần này cũng như diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dự án khó có thể cầm cự được để mang lại nguồn thu cho khách hàng.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài vẫn kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành du lịch khi việc tiêm vắc xin được triển khai rộng rãi, giúp ngành du lịch mở cửa trở lại.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Các khách sạn quốc tế sẽ tiếp tục gia nhập thị trường từ nay cho tới 2023, cung cấp gần 1.300 phòng tương đương với 48% nguồn cung tương lai, bao gồm những thương hiệu lớn như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink… Trao đổi với Savills, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình phát triển.
“Sở dĩ có sóng đầu tư này vào thị trường là bởi các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại. Việc triển khai vaccine sẽ tăng sự tự tin cho ngành du lịch. Kế hoạch của Việt Nam trong việc thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc và Quảng Ninh là một bước quan trọng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại. Tuy nhiên, các khách sạn cũng cần có sự chuẩn bị thật tốt nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến một khi du lịch trở lại”, ông Matthew Powell nhận định.
Lãnh đạo Savills cũng chia sẻ thêm: Tại Mỹ, các khách sạn đang gặp khó khăn sau khi mở cửa trở lại do sự thiếu hụt về nhân viên và chuỗi cung ứng. Cùng với đó là việc giá phòng tăng do kỳ vọng của khách hàng và nguồn cầu lớn, làn sóng du lịch lớn sau một thời gian dài bị hạn chế đi lại.
Tại châu Âu, du lịch các nước đang được cải thiện và đang có những mô hình, quy trình được tính toán thử nghiệm. Nhiều khách sạn đang mở cửa và chỉ duy trì 1/3 số lượng nhân viên hoặc luân chuyển nhân viên, dẫn tới sự thiếu hụt nhân lực khi thị trường trở lại.
Đây là một số điểm đáng lưu ý của thị trường đi trước, đòi hỏi thị trường trong nước cần có sự chuẩn bị cẩn trọng, bởi nếu không, Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua các khó khăn tương tự.