July 17, 2023 | 12:06 GMT+7

Bất động sản Hà Nội: Phía Đông dẫn đầu nguồn cung và lượng giao dịch

Thanh Xuân -

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư “Đô thị mới đang được hình thành phía Đông TP.Hà Nội, có thực sự tạo hấp lực cho thị trường bất động sản?”, các chuyên gia nhận định khu vực phía Đông đang là nơi dẫn đầu về nguồn cung và lượng giao dịch bất động sản tại Hà Nội. Điều này dự kiến sẽ còn duy trì trong vòng 3 năm tới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), khu vực phía Đông Hà Nội năm 2022 có khoảng 11.500 sản phẩm mở bán mới. Nếu tính tổng nguồn cung bất động sản từ khu vực này thì sẽ gấp đôi khu vực phía Tây và gấp 5 lần các khu vực còn lại. Sang đến hết quý 1/2023, khu vực này vẫn tiếp tục cung cấp ra thị trường hơn 77.000 sản phẩm bất động sản.

DẪN ĐẦU NGUỒN CUNG HIỆN HỮU

“Đây là khu vực dẫn đầu về nguồn cung hiện hữu. Đặc biệt 3 năm tới đối với căn hộ cao tầng, dự kiến khu vực phía Đông Hà Nội sẽ trở thành nơi dẫn đầu thị trường khi nguồn cung ước có khoảng gần 92.000 căn hộ”, Vars nhận định.

Năm 2022, khu vực phía Đông cũng ghi nhận hơn 8.000 giao dịch thành công, đứng đầu thị trường. Tiếp đó, tỉ lệ hấp thụ chung toàn khu vực trong quý 6 tháng đầu năm 2023 đạt 30%, tương đương gần 700 giao dịch. Khách hàng khu vực phía Đông Hà Nội chủ yếu đến từ các quận trung tâm Hà Nội, các tỉnh phía Bắc: Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương.... đa số đều là người trẻ có thu nhập cao, làm chủ doanh nghiệp hay kinh doanh tự do, hoặc gia đình trung lưu có tích lũy tài sản mua nhằm mục đích thay đổi không gian sống, hay để dưỡng già. Ngoài ra, đây cũng là khu vực mà tầng lớp trí thức lẫn chuyên gia nước ngoài hướng tới.

“Các dự án đã bàn giao, đều đã và đang có tỷ lệ dân cư ở đông, một phần từ lượng dân cư mua để ở, một phần từ các hộ kinh doanh thuê với giá rẻ nhờ chính sách thu hút dân cư hấp dẫn”, Vars nhận định.

Cùng với lượng giao dịch tăng trưởng khá, khu vực phía đông còn được nhận xét có tốc độ tăng giá tốt nhất, đặc biệt sản phẩm thấp tầng - giá sơ cấp trung bình đạt 155 triệu đồng/m2, do các dự án khu vực này đều là dự án đại đô thị chất lượng cao. Đáng chú ý, giai đoạn 2012 - 2022, giá chào bán thị trường sơ cấp ghi nhận mức tăng đều và trung bình 20%/năm. Một số dự án ghi nhận giá chào bán giai đoạn tiếp theo cao hơn tới 30% so giai đoạn trước (cách nhau khoảng một năm); giai đoạn 2020 - 2022, giá bán sản phẩm thấp tầng ghi nhận mức tăng trưởng nóng, mức tăng phổ biến từ 100% - 150%, thậm chí gấp 3 – 4 lần so những ngày đầu mở bán.

Nhìn nhận vị trí của khu Đông Hà Nội, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng khu Đông của Hà Nội là nơi có tầm nhìn phát triển khác biệt, hướng đến sự bền vững, đồng bộ chứ không kiểu thời vụ, chộp giật. “Nếu đánh giá thẳng thắn, phía Đông sẽ rất nhanh chóng tăng tốc trở thành điểm đến lý tưởng trên bản đồ đầu tư tại thị trường bất động sản Hà Nội. Tọa độ phía Đông thực sự định hình chuẩn mực đô thị hiện đại cho Thủ đô, rộng ra là vùng trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Nêu quan điểm, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và phát triển bất động sản SGO Homes, nhận định trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường địa ốc khu Đông Hà Nội đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt dự án đại đô thị “all in one”.

NHIỀU YẾU TỐ TÍCH CỰC

Dự báo khu vực phía Đông, ông Lê Đình Chung cho rằng hiện nay rất nhiều yếu tố tích cực giúp thị trường phía Đông phát triển mạnh mẽ hơn nữa vào thời gian tới. Cụ thể, khu vực phía Đông có quận Long Biên, huyện Gia Lâm và tỉnh Hưng Yên, trong đó, Gia Lâm đã trình phương án lên quận. Năm 2022, huyện này hoàn thành 15/16 chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao (7 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Mặt khác, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng vượt kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ.

Mặt khác, về kinh tế, Long Biên cũng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ở mức cao từ 15-21%/năm; mục tiêu thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 107 triệu đồng/người/năm, tăng 23% so năm 2022. Còn quy hoạch đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (phía Bắc giáp huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) có tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Nhấn mạnh thêm, ông Chung cho rằng, quỹ đất khu vực còn rất nhiều, phù hợp để phát triển nhiều dự án lớn. Đồng thời không kém phần quan trọng là hạ tầng giao thông khu Đông đang ngày càng được chú trọng đầu tư, triển khai xây dựng.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Vars Nguyễn Chí Thanh nhận định: “Không phải Đông hay Tây mà ở đâu có sự đầu tư bài bản hạ tầng giao thông, tư duy phát triển hiện đại, quỹ đất dồi dào thì ở đó tất yếu thu hút sự phát triển của nhà đầu tư. Khu Đông chính là khu vực có lợi thế đó”

Dưới góc độ doanh nghiệp phát triển dịch vụ bất động sản, bà Vũ Hà Thu, Phó Tổng giám đốc Newstarland đánh giá, hiện nay người dân không quan trọng khoảng cách bao xa mà quan trọng di chuyển bao lâu. Vì vậy, dù là vùng ven Thủ đô nhưng được quy hoạch đồng bộ hạ tầng, thì người dân vẫn đổ về sinh sống.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate