Về nhà ở thương mại, Viện Kinh tế xây dựng cho biết số lượng dự án mở bán mới 6 tháng đầu năm không nhiều, chủ yếu là các dự án thuộc phân khúc trung, cao cấp, còn nguồn cung mới phân khúc căn hộ bình dân rất ít. Đặc biệt, ở thị trường thứ cấp, nguồn cung chung cư tại Hà Nội giảm 7,2%; TP. Hồ Chí Minh giảm 27,8%; Đà Nẵng 18,1%; Bình Dương 27,5% so với 6 tháng cuối năm 2022. Trong khi đó, nhà ở riêng lẻ, nguồn cung thứ cấp Hà Nội giảm 25,6%; TP. Hồ Chí Minh 19,8%; Đà Nẵng 11,3%; Bình Dương 31,2%; Khánh Hoà giảm 18,3%...
NGUỒN CUNG THỨ CẤP GIẢM HƠN MỘT NỬA
Cũng theo Viện Kinh tế xây dựng, nguồn cung thứ cấp đất nền tại các địa phương 6 tháng đầu năm 2023 vẫn chủ yếu tập trung nhiều ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Khánh Hòa và có giảm so nửa cuối năm 2022. Cụ thể, nguồn cung thứ cấp đất nền dự án Hà Nội giảm 38,9%; TP. Hồ Chí Minh giảm 45,7%; Đà Nẵng 35,3%; Bình Dương 46,8%; Đồng Nai 43,2%.
Liên quan đến thực trạng trên, thông tin từ Công ty CBRE nêu, do lượng hàng tồn kho cao mà những trở ngại vĩ mô vẫn ảnh hưởng nhiều đến thị trường, nên hầu hết các đơn vị phát triển đều thận trọng về đợt mở bán mới tiếp theo của mình. Tổng nguồn cung nhà ở gắn liền với đất mới tại Hà Nội nửa đầu năm 2023 ghi nhận giảm 76% so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể quý 2/2023, thị trường nhà ở gắn liền với đất chỉ có 152 căn mở bán mới từ 2 dự án ở quận Thanh Xuân và Hưng Yên (tỉnh giáp ranh Hà Nội). Đây là mức mở bán mới thấp nhất tại Hà Nội kể từ giai đoạn Covid-19.
Còn về phân khúc khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, DKRA GROUP cho biết nguồn cung mới khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn cả nước tiếp tục hạn chế, thị trường chỉ được bổ sung nguồn cung từ một số ít dự án đã khai trương và đi vào hoạt động như: khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge (Hoà Bình), khu nghỉ dưỡng The Anam Mũi Né 5 sao (Phan Thiết), khách sạn 4 sao Grand Mercure (Hà Nội), khách sạn 4 sao The Tray Đồ Sơn Hotel (Hải Phòng)… Theo tính toán, đến hết 5 tháng đầu năm 2023, số lượng biệt thự nghỉ dưỡng mở bán thuộc khu vực phía Nam (TP. Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận) là 63 căn, số lượng căn hộ condotel mở bán là 421 căn, lần lượt chỉ bằng 2,3%; 26,4% so nguồn cung mở bán 6 tháng đầu năm 2022.
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đánh giá, mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động trên thị trường chưa sôi động trở lại. Không chỉ thiếu nguồn cung mà thị trường còn đối diện tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, dừng triển khai dự án bất động sản, cắt giảm lao động… và giao dịch trầm lắng. Bởi thực tế qua thống kê tổng lượng giao dịch, chỉ 187.000 giao dịch thành công, đạt 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Lượng giao dịch nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, bằng 40,69% so 6 tháng cuối năm 2022.
TIẾP TỤC TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Để thị trường bất động sản thời gian tới phát triển ổn định, Bộ Xây dựng cho rằng cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; tập trung đôn đốc địa phương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã 28 hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp; đề xuất giải pháp nhằm cân đối cung-cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp; thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường biến động bất thường, kịp thời xử lý vấn đề “nóng” phát sinh.
Đặc biệt tập trung nghiên cứu, xây dựng dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi; dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các Thông tư trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản để bãi bỏ một số giấy tờ nhân thân theo Nghị quyết 101/NQ-CP của Chính phủ.
Nhìn nhận về thị trường, Savill Việt Nam cho rằng: “Thời điểm và khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc bởi nhiều yếu tố, gồm: nguồn vốn, sản phẩm phù hợp mà nhất là tháo gỡ về pháp lý… Thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn vào cuối năm khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, dự kiến được thông qua; cùng với nỗ lực của Nhà nước Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc cho thị trường; người dân có thể tiếp cập vốn vay ở mức lãi suất hợp lý hơn nửa đầu năm 2023”.