Sau một thời gian tỏ ra thận trọng, giới đầu tư bất động sản đang có dấu hiệu quay lại với khu vực phía Tây Hà Nội.
Động thái trên của giới đầu tư đã phần nào “hâm nóng” thị trường bất động sản Hà Nội nói chung sau một thời gian khá trầm lắng, kể từ trước Tết Nguyên đán. Về cảm tính, đó cũng là chuyện bình thường bởi những ai quan tâm đến thị trường nhà đất vốn đã quen với những diễn biến “nóng - lạnh” luân phiên nhau trong một thời gian không quá dài, từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân lo lắng là “những con sóng" lúc nổi, lúc chìm trên thị trường vốn vô cùng nhạy cảm này đã "cướp" đi của họ cơ hội tiếp cận được một mảnh đất hay một căn nhà, mà ngay cả những lúc thị trường ảm đạm vẫn là một thách thức của bao nhiêu người.
Chung cư đột ngột “có giá”
Những diễn biến trên thị trường bất động sản Hà Nội trong 2 tháng trở lại đây thực sự đã nằm ngoài sự tiên đoán của nhiều chuyên gia. Trước Tết, thậm chí đến sau Tết, mảng nhà dự án hay chung cư vẫn luôn trong trạng thái đóng băng, số giao dịch hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay tại tất cả các sàn, trung tâm môi giới nhà đất.
Giới đầu tư lúc đó đều mang một vẻ mặt chung “sầu thảm” khi ai đó hỏi về chuyện đầu tư, kinh doanh.
Thế nhưng, cũng không cần phải mất quá nhiều thời gian để họ thay đổi trạng thái và xắn tay vào một cuộc “maraton” mới trên thị trường. Cuộc chạy đua chính thức được bắt đầu ngay sau khi Tập đoàn Nam Cường tiến hành mở bán dự án chung cư Hoàng Quốc Việt Residentials thuộc khu đô thị mới Cổ Nhuế vào dầu tháng 3 vừa qua.
Ông Phạm Văn Hưng, chuyên viên Sàn giao dịch bất động sản Hadico cho biết, ngay sau khi Nam Cường chào bán căn hộ trên đường Lê Văn Lương và khu đô thị mới Cổ Nhuế, số người quan tâm đến phân khúc chung cư đã đột ngột thay đổi. Thị trường theo đó cũng đã khởi sắc hơn rất nhiều so với trước Tết.
Vị này cho hay, ngoài một bộ phận là giới đầu tư, đầu cơ nhảy vào để “làm giá”, kiếm lời thì số người có nhu cầu thực cũng tăng mạnh so với vài tháng trước.
Lý giải cho hiện tượng này, theo ông Hưng, rất có thể nhiều người dân sau một thời gian muốn mua nhà, đất đơn lẻ nhưng không đủ tiền hoặc không đáp ứng được yêu cầu, họ đã “chấp nhận” quay trở lại tìm mua nhà chung cư, dù đó chưa hẳn đã là lựa chọn tối ưu nhất.
Còn theo khảo sát của người viết, trong vòng vài tuần trở lại đây, lượng người quan tâm đến thị trường bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội đã tăng đáng kể. Số lượng giao dịch thành công cũng theo đó mà tăng lên. Sôi động nhất vẫn là các dự án như khu Xa La, Vân Canh, Nam An Khánh...
Và tất nhiên, giá cả nhà đất cũng theo được người bán đẩy dần lên. Chỉ trong vòng 1 - 2 ngày, giá niêm yết nhà chung cư tại các sàn giao dịch, trung tâm nhà đất trên thành phố đã được điều chỉnh tăng từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại một số dự án chung cư phía Tây có “giá mềm”, khoảng từ 15 -18 triệu đồng/m2, mức độ tăng có lúc đã lên đến 2 - 3 triệu đồng/m2.
“Sốt” thật hay giả?
Trên thực tế, các dự án bất động sản phía Tây Hà Nội vẫn là khu vực “hot” nhất trong một vài năm gần đây. Chỉ cách đây chưa lâu, vào cuối năm 2009, cơn sốt nhà đất phía Tây đã thực sự làm không ít người nản lòng khi sự thao túng của giới đầu cơ dường như đã quá ngưỡng.
Thế rồi, khi có quá nhiều người “sợ hãi” trước những cảnh làm giá của giới đầu cơ, họ đã quay lưng với khu vực này, khiến cho không ít người “lướt sóng” tại khu vực này... mắc cạn.
Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Thế Kỷ (Cen Group) cho rằng, về cơ bản, việc khu vực phía Tây Hà Nội được nhiều người quan tâm là điều hợp lý, vì hạ tầng khu vực này được xem là tốt nhất so với các khu vực ngoại thành còn lại.
Hơn nữa, theo ông Hưng, nhu cầu về nhà, đất của người dân vẫn rất cao cũng là nguyên nhân góp phần tạo nên những cơn “sốt” đó. Tất nhiên, nếu thị trường diễn biến trên mức bình thường thì vai trò của giới đầu cơ cũng cần phải được xem xét.
Có mặt tại Sàn giao dịch bất động sản Vinh Gia (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), người viết ghi nhận sự sôi động trong tìm hiểu thông tin, giao dịch nhà, đất tại khu vực phía Tây là có thực.
Giám đốc sàn Ngô Thế Vinh cho biết, lượng người đến sàn trong vài tuần trở lại đây đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước tết.
Đặc biệt, theo ông Vinh, do số người tìm hiểu và giao dịch thành công cũng tăng nên hầu hết số người có sản phẩm chào bán tại sàn này đều đồng loạt tăng giá. Riêng phân khúc đất nền cứ vài ngày lại tăng lên khoảng 100.000 đồng/m2. Cá biệt, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có khu vực giá đất nền đã tăng từ 1 - 3 triệu/m2.
“Dù không biết chính xác những người đến tìm hiểu thông tin, mua bán là giới đầu cơ hay người có nhu cầu thực, song số người có nhu cầu mua nhà, đất đã tăng lên nhiều so với trước Tết”, ông Vinh khẳng định.
Ông Trần Đình Chiến, Trưởng phòng Môi giới bất động sản Công ty Xây dựng Việt Trung cũng cho biết, ngay sau khi một số thông tin về quy hoạch Thủ đô được công bố, đặc biệt khi có kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính quốc gia tại trục Hòa Lạc - Ba Vì, thị trường nhà đất tại khu vực này đã sôi động trở lại.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ông Chiến cho rằng, đa phần cơn “sốt” trên thị trường bất động sản hiện nay đều chứa đựng một yếu tố bất thường.
Với lẽ đó, chuyên gia này cho rằng, đối với những người có nhu cầu thật về nhà ở, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, không nên cố mua bằng được căn nhà những lúc thị trường có “sóng”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate