Chia sẻ về Chỉ số xanh cấp tỉnh và việc tạo lập môi trường đầu tư thân thiện với môi trường tại Hội thảo Vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường ngày 9/6, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay đang ở trong quá trình chuyển đổi để thích ứng tốt hơn trước các xu hướng toàn cầu.
“Trong đó, nổi lên hai xu hướng toàn cầu chính là xu hướng thích ứng tốt hơn trước các nguy cơ mới đặc biệt là biến đổi khí hậu và xu hướng kinh doanh xanh hơn, gắn với bảo vệ môi trường”, ông Vinh nhấn mạnh.
HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Theo ông Phạm Quang Vinh, phát triển bền vững là vấn đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm hiện nay. Việt Nam đang rất tích cực hoàn thiện thể chế, thời gian vừa qua đã thông qua các đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường nhiều các văn bản pháp luật khác theo định hướng phát triển kinh tế bền vững.
Đảng đã có Nghị Quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trong đó khẳng định rõ định hướng: “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương, gồm 04 chỉ số thành phần: (1) Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; (2) Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; (3) Thúc đẩy thực hành xanh; (4) Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có tuyên bố mạnh mẽ về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường hiện nay.
“Đây là một bước tiếp theo quan trọng của tiến trình hội nhập mạnh mẽ khi Việt Nam đã là một thành viên chủ động và tích cực của thế giới. Việt Nam hiện là thành viên của nhiều hiệp định thương mại quốc tế đa phương và song phương quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)... trong đó nhiều yêu cầu thuận lợi hoá thương mại đi cùng với cam kết bảo vệ môi trường”, ông Vinh chia sẻ.
Trong bối cảnh ấy, ngày 11/4, VCCI lần đầu tiên công bố Chỉ số xanh nhằm đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh về mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác.
“Bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số xanh, chúng tôi mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn…”, Phó chủ tịch Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
ĐỊA PHƯƠNG NGÀY CÀNG CHÚ TRỌNG CHUYỂN ĐỔI XANH
Chia sẻ quan điểm với VCCI, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá Chỉ số xanh cấp tỉnh là sáng kiến quan trọng, không những tạo cơ sở cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở địa phương, mà còn tạo động lực để các địa phương có bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế xã hội, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và trên thế giới.
Trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn nhận thức một cách rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của tỉnh để hướng tới xây dựng một môi trường xanh song hành với một nền kinh tế xã hội vững mạnh và văn minh... Đặc biệt, Vĩnh Phúc kiên quyết “nói không” với những dự án gây tổn hại môi trường đầu tư.
“Một ví dụ điển hình là năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ từ chối Nhà máy dệt - nhuộm của TAL, mặc dù nhà đầu tư đề xuất đầu tư dự án 400 triệu USD”, ông Giang chia sẻ.
Hiện Vĩnh Phúc đã trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 trong đó đặc biệt quan tâm các phương án bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới của Vĩnh Phúc tập trung đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực: điện tử, ô tô, xe máy, dược phẩm, nông nghiệp chất lượng cao… gắn với mục tiêu phát triển bền vững bắt kịp xu hướng “zero carbon” trên thế giới.
“Vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022 (trong đó xếp thứ 9/63 về chỉ số xanh PGI) do VCCI bình chọn. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh và cũng là động lực to lớn để Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường”, ông Giang chia sẻ.
Còn theo bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh là trung tâm sản xuất nhiệt điện than lớn nhất cả nước song để phát huy đầy đủ các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của địa phương, tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững, Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa).
Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch triển khai kết quả dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hàng năm, tỉnh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác môi trường. Đồng thời, quan tâm sử dụng nguồn kinh phí thu được từ phí, thuế bảo vệ môi trường.
“Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí trên 36 tỷ USD để thực hiện hiện 24 nhiệm vụ, đề án nghiên cứu khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường”, bà Vũ Thị Kim Chi thông tin.
Với tỉnh Bắc Ninh, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường cũng là mục tiêu mà tỉnh Bắc Ninh đang hướng tới trong những năm qua.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Bắc Giang chia sẻ về những chính sách mà địa phương đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.