Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh” sáng ngày 19/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.
Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành: (1) Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; (3) Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững”, Bộ trưởng khẳng định.
Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của mình trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.
Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…
Để trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và phát triển bền vững trong tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần đồng tâm, hiệp lực, kiên định triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm thực hiện các cam kết quốc tế mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Thomas Jacbos, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cũng cho rằng đây là thời khắc quan trọng để Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu.
“Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát thải carbon nhiều nhất trong khu vực Đông Á”, đại diện IFC cho biết.
Vì thế, tại hội nghị COP 26, Việt Nam đã đưa ra nhiều mục tiêu tham vọng với cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên, theo ông Thomas Jacobs, Việt Nam phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong việc sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường. Làm được điều này, Việt Nam cần huy động cả khu vực công và khu vực tư cùng tham gia.
Báo cáo Khí hậu và Phát triển Quốc gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) dành cho Việt Nam ước tính rằng một lộ trình phát triển kết hợp giữa khả năng thích ứng và Net-Zero sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung khoảng 6,8% GDP mỗi năm, với tổng trị giá khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040. Trong đó, hơn một nửa số vốn (184 tỷ USD) cần đến từ khu vực tư nhân.
Để làm được điều này, theo IFC, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư và các quy định pháp luật liên quan để khu vực tư nhân có thể tham gia vào tiến trình xanh của Việt Nam nhanh hơn, rẻ hơn và đơn giản hơn.
Đồng thời, xây dựng Hợp đồng mua bán điện theo các chuẩn mực quốc tế để thu hút sự gia của nhà đầu tư nước ngoài, nâng cấp thị trường tài chính để có thể huy động vốn thông qua trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững…
“Ngày càng có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường carbon, đầu tiên thông qua thị trường tự nguyện nhưng sau đó là thị trường bắt buộc một khi môi trường thuận lợi được thiết lập đầy đủ”, ông Jacobs nhấn mạnh.