November 06, 2024 | 16:19 GMT+7

Bầu cử Hoa Kỳ: Bước ngoặt của quá trình áp dụng công nghệ lớn trên toàn cầu

Sơn Trần

Cuộc bầu cử tuần này có thể là bước ngoặt quan trọng đối với việc thực thi quy định chống độc quyền tại Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với những gã khổng lồ công nghệ…

Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris.
Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris.

Chiến thắng của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 đã mở ra loạt kế hoạch bổ nhiệm mang tính cải cách một số vị trí quan trọng tại các cơ quan của Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm thực thi luật cạnh tranh, theo Euronews.

Trong đó, nổi bật là bà Lina Khan, người được chỉ định làm lãnh đạo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), và ông Jonathan Kanter, gia nhập chính quyền Tổng thống Biden với vai trò Trợ lý Tổng chưởng lý phụ trách bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ).

Cả hai đều là những người theo chủ nghĩa "Brandeis" mới, ủng hộ phong trào chống độc quyền, luôn lo ngại về việc quyền lực thị trường quá lớn có thể gây hại cho cạnh tranh. Phong trào được đặt tên theo ông Louis Brandeis, nhà đấu tranh chống độc quyền nổi bật đầu thế kỷ 20 ở Hoa Kỳ, tin rằng độc quyền sẽ gây hại cho người lao động và làm suy giảm đổi mới trong kinh doanh.

NỖ LỰC CHỐNG ĐỘC QUYỀN

Sự xuất hiện của bà Lina Khan báo hiệu cách tiếp cận mạnh mẽ hơn trong việc thực thi luật chống độc quyền, đặc biệt liên quan đến Big Tech. Vào tháng 12/2020, FTC cùng 46 tiểu bang đã đệ đơn kiện chống độc quyền đối với Meta, công ty mẹ của Facebook, cáo buộc rằng việc Meta thâu tóm Instagram và WhatsApp là hành vi phản cạnh tranh.

Vụ kiện kéo dài nhiều năm và đến nay vẫn chưa xét xử. Tiếp theo vào năm 2023, FTC khởi kiện Amazon vì đăng ký người dùng vào chương trình Prime mà không có sự đồng ý.

Trong khi đó, hai vụ kiện chống độc quyền quan trọng do Bộ Tư pháp (DOJ) khởi xướng vẫn đang tiếp diễn. Vào tháng 10 năm 2020, cơ quan này cáo buộc Google độc quyền trái phép trong thị trường tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm, đặc biệt là trên thiết bị Android, cũng như với Apple.

Sau phiên điều trần tại Washington hồi cuối năm 2023, Google bị cho là sử dụng vị thế độc quyền của mình trên thị trường công nghệ công cụ tìm kiếm để củng cố vị trí công ty với đối tác thiết bị di động và trang web. Tuy nhiên, tòa án vẫn chưa đưa ra biện pháp khắc phục nào sẽ được áp dụng đối với Google.

Vụ kiện thứ hai tiếp tục nhắm đến gã khổng lồ tìm kiếm này, khởi kiện vào tháng 1/2023, DOJ cáo buộc Google độc quyền trái phép trong thị trường công nghệ quảng cáo, hay còn gọi là "adtech". Công nghệ này hoạt động như một dạng trung gian cho các trang web muốn kiếm tiền từ quảng cáo.

Một phiên tòa đã diễn ra hồi tháng 9, cơ quan chính phủ Hoa Kỳ tìm cách buộc Google phải bán bớt phần lớn hoạt động kinh doanh adtech và ngừng một số hoạt động kinh doanh khác. Dự kiến, kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối tháng này, sau cuộc bầu cử.

“Lina Khan đã thành công trong việc biến chủ đề chống độc quyền thành vấn đề mà ai cũng có thể thảo luận, điều mà chưa ai làm được trước đây", chuyên gia Cristina Caffarra, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế, nhận định.

Cách tiếp cận chặt chẽ trong việc thực thi luật cạnh tranh đối với Big Tech cũng đưa Hoa Kỳ đến gần hơn với suy nghĩ của Ủy ban Châu Âu. Dưới thời Ủy viên Cạnh tranh Margrethe Vestager, EU đã triển khai Luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) vào năm 2022, yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số phải thực hiện nghĩa vụ trả trước, giúp việc thực thi biện pháp chống độc quyền với tập đoàn lớn dễ dàng hơn.

DMA được áp dụng sau loạt các vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Google, qua đó cho thấy những điểm yếu trong việc sử dụng công cụ pháp lý để kiểm soát ngành công nghệ.

“Phát biểu của FTC và DOJ gần giống với những gì Ủy ban Châu Âu nói: 'Chúng ta phải can thiệp để ngăn chặn sự thống trị của Big Tech'”, chuyên gia tư vấn về Cạnh tranh Kỹ thuật số Christophe Carugati cho hay.

BƯỚC NGOẶT SAU CUỘC BẦU CỬ

Ứng viên giành chiến thắng sẽ nắm quyền 4 năm tại Nhà Trắng kể từ sau lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 20/1/2025.
Ứng viên giành chiến thắng sẽ nắm quyền 4 năm tại Nhà Trắng kể từ sau lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 20/1/2025.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể thay đổi hoàn toàn nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

“Nếu ông Trump thắng, người lãnh đạo mới của FTC có thể ít quyết liệt hơn với Big Tech so với bà Lina Khan", chuyên gia người Đức dự đoán và tin rằng "điều này cũng đúng với những nhân vật chủ chốt khác trong chính quyền Hoa Kỳ". Ngược lại, “EU khó thay đổi lập trường về các nền tảng lớn vì Luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) và Luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) mới chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn” thành viên của Ủy ban Kinh tế Nghị viện, cho biết.

Thế nhưng, chiến thắng của ông Trump không thể khẳng định con đường “Brandeisian” của bà Khan và ông Kanter sẽ kết thúc. Bà Khan đã nhận lời khen từ người đồng hành tranh cử của ông Trump - người yêu thích Thung lũng Silicon J.D. Vance. "Cô ấy đã chúng minh rằng chúng ta cần có sự hiểu biết rộng hơn về cạnh tranh trong thị trường", ông Vance phát biểu.

Vào tháng 2, thời điểm DOJ chuẩn bị khởi kiện lần thứ hai với Google, ông Vance bày tỏ sự ủng hộ của mình trong bài đăng trên X. "Đã đến lúc chia tay Google. Vấn đề này quan trọng hơn bất kỳ vấn đề nào. Quyền kiểm soát độc quyền thông tin trong xã hội của chúng ta đang nằm trong tay một công ty công nghệ có xu hướng tiến bộ rõ rệt", ông viết.

Quan điểm 'Khanservative' này cũng được chia sẻ bởi một số thành viên trong Đảng Cộng hòa, bao gồm các Thượng nghị sĩ Josh Hawley và Mike Lee, cũng như Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton.

"Ngày nay có hai quan điểm cùng tồn tại trong Đảng Cộng hòa về chống độc quyền", theo bà Caffarra.

Một trong số đó có thể được xem là “cánh Phòng Thương mại”, bà cho rằng nhóm vận động hành lang này "đại diện cho những giá trị truyền thống của Đảng Cộng hòa, ủng hộ tập đoàn lớn và phản đối việc thực thi luật chống độc quyền quyết liệt".

Ngược lại, cánh thứ hai "quyết liệt chống lại một số gã khổng lồ kỹ thuật số vì họ cho rằng các công ty này hạn chế  quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư". Quan điểm này gần giống với phát biểu của ông Vance – sẵn sàng chứng kiến một số công ty công nghệ tan rã.

Giới nhận xét cho rằng, nếu ông Trump thắng, việc thực thi chống độc quyền có thể tiếp tục cứng rắn đối với nền tảng lớn, nhưng ít quyết liệt hơn. Nếu điều này xảy ra, việc hạn chế sự thống trị của Big Tech trên thị trường vẫn là mục tiêu chung ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Tương lai chính sách chống độc quyền của Hoa Kỳ cũng không chắc chắn trong trường hợp bà Kamala Harris chiến thắng, khi vấn đề này dường như cũng đang chia rẽ một số đảng viên Dân chủ.

Một số nhà tài trợ cho chiến dịch của Phó Tổng thống Harris từ Big Tech, như người sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và nhà đầu tư công nghệ Mark Cuban, kêu gọi bà Lina Khan từ chức, mặc dù bà Harris chưa nhắc gì đến chức vụ Chủ tịch FTC.

Tuy nhiên, chiến lược của Phó Tổng thống cam kết chống lại các tập đoàn lớn: “Với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ chỉ đạo chính quyền của mình tiến hành biện pháp mạnh mẽ đối với hành vi phản cạnh tranh, qua đó giúp mọi doanh nghiệp phát triển công bằng trong khi vẫn đảm bảo mức giá cho người tiêu dùng”.

Liệu bà Khan có thể tiếp tục theo đuổi “cuộc chiến” chống lại sự thống trị của Big Tech trong bao lâu nữa, và EU sẽ thực thi các đạo luật như thế nào dưới sự lãnh đạo của Uỷ viên Cạnh tranh mới.

Chuyên gia Carugati chỉ rõ: "Chúng tôi vẫn chưa biết tầm nhìn của bà Teresa Ribera, Ủy viên Cạnh tranh được chỉ định của Tây Ban Nha, về chính sách chống độc quyền trong thị trường kỹ thuật số".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate