Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được xem là một nguyên nhân dẫn tới sự giảm tốc gần đây của nền kinh tế nước này.
Hãng tin CNBC cho biết, theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố ngày 6/6, khoảng 60% chuyên gia kinh tế được thăm dò ý kiến tin rằng những bất ổn liên quan đến cuộc tổng bầu cử vào tháng 11 tới đang gây ảnh hưởng xấu tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay.
Trong cuộc khảo sát này, các thành viên của Hiệp hội Kinh tế học kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) một lần nữa giảm kỳ vọng tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2016, cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ tăng 1,8%. Mức dự báo này giảm so với con số 2,2% trong lần dự báo hồi tháng 3, và 2,6% hồi tháng 12 tháng năm ngoái.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã yếu đi trong quý 1/2016, chỉ đạt mức 0,8%. Kể từ đó, các dữ liệu kinh tế Mỹ tốt xấu đan xen.
Tiêu dùng Mỹ tăng mạnh trong tháng 4, với mức tăng cao nhất trong gần 7 năm. Nhưng báo cáo việc làm tháng 5 được Bộ Lao động nước này công bố hôm thứ Sáu tuần trước lại cho thấy tốc độ tuyển dụng giảm mạnh.
Sự giảm tốc của kinh tế Mỹ diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này ngày càng cảm thấy bất an về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Điều khiến các công ty Mỹ lo ngại hơn nữa là họ không thể đoán biết được những chính sách của nhân vật sẽ trở thành vị chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Trong cuộc khảo sát của NABE, gần 60% chuyên gia kinh tế thành viên hiệp hội này tin sự khó đoán biết về chính sách nói trên là một trở ngại đối với nền kinh tế Mỹ trong năm 2016.
“Các công ty nói chung đã chuẩn bị cho tình huống mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ. Họ chuẩn bị cho tình huống mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn, khi họ không biết điều gì có thể xảy ra sắp tới”, ông Greg Daco, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô Mỹ thuộc công ty nghiên cứu Oxford Economics, đồng thời là một nhà phân tích của NABE, nhận định.
Một số đề xuất chính sách cụ thể của các ứng viên tổng thống Mỹ đã gây lo ngại, bao gồm đề xuất của Donald Trump - ứng cử viên đã đạt đủ số phiếu đại biểu để trở thành người đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc tổng bầu cử. Chủ trương của vị tỷ phú địa ốc này là áp dụng chính sách cứng rắn đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Trung Quốc và Mexico.
“Khi đặt dạng chính sách như vậy vào một mô hình kinh tế, bạn sẽ thấy rằng nước Mỹ rốt cục sẽ thất bại nếu châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại”, ông Daco nói.
Bất ổn chính trị trên thế giới cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Mỹ lo ngại - theo kết quả khảo sát của NABE. Gần 1/4 số chuyên gia kinh tế của hiệp hội này cho rằng sự nổi lên của những luồng quan điểm chủ nghĩa dân tộc trên toàn cầu là nhân tố lớn nhất kéo lùi tăng trưởng toàn cầu trong 2 năm tới.
Những quan điểm này tương tự như một báo cáo mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố hồi tuần trước. Báo cáo này cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ mắc kẹt trong một “bẫy tăng trưởng thấp” đòi hỏi các chính phủ cần chung sức để phá vỡ.
Với sự thận trọng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với hoạt động chi tiêu và đầu tư, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay chỉ đạt 3%, không thay đổi so với năm ngoái - mức tăng chậm nhất kể từ cuộc suy thoái hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
OECD hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay còn 1,8%, từ mức 2% đưa ra trong lần dự báo trước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate