Bến Tre, với lợi thế về địa hình sông nước, đặc sản là dừa, cây ăn trái và hoa kiểng, lại cách Sài Gòn – TP.HCM điểm gần nhất 70 km và điểm xa nhất hơn 100 km, là một trong các điểm đến hấp dẫn, lý thú của vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với du khách TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ,...
Theo đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre, đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch Bến Tre phấn đấu đón khoảng 5 triệu lượt khách vào năm 2030; trong đó khách quốc tế chiếm 48% trở lên, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.800 - 6.000 tỷ đồng… Để hiện thực hóa khát vọng này, tỉnh Bến Tre đã có nhiều chiến lược để kích hoạt ngành công nghiệp không khói từ những tiềm năng sẵn có của địa phương.
Là địa phương có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn, có điều kiện phát triển du lịch sinh thái như tham quan sông nước miệt vườn, thưởng thức ẩm thực xứ dừa với nhiều món ăn dân dã đặc sản, tham quan vườn trái cây và làng nghề truyền thống như: làng nghề hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách); nghề sản xuất kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ dừa, bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm); làng nghề đan giỏ cọng dừa (các xã Hưng Phong, Phước Long, huyện Giồng Trôm)...
Đặc biệt, loại hình du lịch homestay, ở nhà dân tìm hiểu về cuộc sống nông thôn hiện thu hút một lượng lớn khách nước ngoài đến từ các nước Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ...
Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre, từ sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch Bến Tre đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch vùng xanh Xứ Dừa, tạo ra nhiều điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch, phát triển, kết nối cộng đồng doanh nghiệp du lịch của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Hoạt động du lịch thu hút được khá nhiều doanh nghiệp tham gia với các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Các hoạt động đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu du lịch “Xứ Dừa Bến Tre”.
Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre Trần Bá Sanh, du lịch Bến Tre phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân của những hạn chế này, theo ông Trần Bá Sanh, chủ yếu là do công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch tại chỗ vừa thiếu lại còn yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy.
Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre là ngôi nhà chung của các doanh nghiệp ngành du lịch, đã góp phần cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh và phát triển ngành du lịch; trong đó tập trung phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch biển đồng thời định hướng phát triển du lịch xanh bền vững, bảo vệ môi trường.
Tại đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre lần thứ II (2023 – 2028), diễn ra vào ngày 09/12/2023, các hội viên đã bầu ra Ban chấp hành mới, với 27 thành viên. Ông Trần Bá Sanh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Ba Lan (KDL Lan Vương 2) được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bến Tre. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam được đại hội giới thiệu và đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Danh dự.