Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác du lịch, TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL đã từng bước tạo nên hiệu ứng lan tỏa và mang đến nhiều kết quả tích cực. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, vùng đồng bằng sông Cửu Long đón 28.908.675 lượt khách, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế tăng mạnh nhất với 980.463 lượt, tăng 636% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt hơn 26.215 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2022.
CHƯA CÓ SỰ KẾT NỐI TỔNG THỂ
Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước mà còn là một trong 7 vùng trọng điểm về du lịch. Nhờ cảnh quan sinh thái đặc trưng đồng bằng, biển đảo, sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường sống trong lành, con người hiền hòa, thân thiện và lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo quanh năm… đã tạo nên những sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long độc đáo, đặc trưng, níu chân du khách lâu dài.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, mặc dù vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế, song việc đầu tư, khai thác tài nguyên du lịch của vùng chưa tương xứng. Hiện nay, việc đầu tư phát triển du lịch ở một số địa phương còn tình trạng "mạnh ai nấy làm," chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng, từ đó tốc độ phát triển du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch khác trong cả nước.
Tại một hội thao liên quan đến phát triển bền vững mới đây do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đánh giá: đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh; các sản phẩm du lịch còn trùng lắp, chưa khai thác đặc trưng hay phát huy đặc thù riêng biệt. Đầu tư cho phát triển du lịch vùng còn khá khiêm tốn, các dự án đầu tư nhỏ lẻ thiếu trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả mang lại chưa cao. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế, còn thiếu cơ chế điều phối và phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Thực tế trong những năm gần đây, một số địa phương đã chú trọng hướng đến đặc trưng riêng trong sản phẩm du lịch như: Thành phố Cần Thơ với lễ hội bánh và trái cây Nam bộ; Đồng Tháp khai thác văn hóa ẩm thực với 200 món ăn từ sen; Hậu Giang với 200 món ăn từ cá thát lát, khóm, cùng Festival Áo bà ba mang đậm dấu ấn riêng, Bạc Liêu với Lễ hội đờn ca tài tử; Vĩnh Long với homestay tiêu chuẩn ASEAN và di sản quần thể gốm Mang Thít… Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị gia tăng của các sản phẩm du lịch chưa nhiều, nên cho đến nay lượng khách đến vùng chiếm gần 50% so với cả nước, nhưng tổng thu từ du lịch của vùng chưa tới 10% so với cả nước.
Ông Phạn Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều dư địa để liên kết với TP.HCM, nhưng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp cũng như nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước thì sẽ tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng.
Trong khi đó, đại diện UBND tỉnh An Giang nhìn nhận, vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch nhưng tính đặc sắc chưa rõ nét, mô hình làm du lịch ở các địa phương còn trùng lặp, gây nhàm chán cho du khách, trong khi xu hướng của khách du lịch ngày một đa dạng hơn. Do đó, muốn thu hút du khách, ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long cần cải thiện hạ tầng du lịch, đào tạo kỹ năng mềm, tạo các sản phẩm đặc trưng theo hướng đa trải nghiệm… đồng thời liên kết hiệu quả với TP.HCM, trung tâm điều phối khách du lịch lớn nhất cả nước.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐƠN TUYẾN VÀ LIÊN TUYẾN
Trong hai ngày 20 - 21/10 vừa qua, đã diễn ra chương trình khảo sát điểm du lịch sinh thái nhằm hiện thực hóa Chương trình thỏa thuận về liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long . Đoàn khảo sát và hội nghị đánh giá điểm đến, phát triển các chương trình du lịch liên kết TP.HCM và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long , đã tham quan, trải nghiệm nhiều điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng.
Theo ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, chương trình khảo sát và hội nghị là hoạt động nhằm hiện thực hóa Chương trình thỏa thuận về liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Do đó, Sóc Trăng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp có thể trải nghiệm thực tế các sản phẩm tiềm năng, điểm đến du lịch trên địa bàn. Đây là dịp kết nối cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch đơn tuyến và liên tuyến, đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch của khu vực phía Nam và cả nước.
Ngành du lịch tỉnh cũng cam kết tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ và mô hình du lịch mới. Do đó, doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có thể lựa chọn điểm đến phù hợp với khách hàng; đồng thời, tham gia nghiên cứu, xây dựng chuỗi cung ứng ngành Du lịch địa phương trên cơ sở những đặc trưng riêng về con người, văn hóa, ẩm thực Sóc Trăng.
Bà Phạm Thị Thúy Diễm, đại diện Ban Tổ chức Chợ Quê, cồn Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ sau lần đầu được tổ chức thành công, hiện nay, Chợ Quê được tổ chức một lần vào thứ Bảy của tuần cuối tháng, với khoảng 30 gian hàng, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương. Qua chuyến khảo sát lần này, Ban tổ chức Chợ Quê hy vọng doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch quan tâm và đưa điểm đến này vào tour, tuyến, đồng thời hỗ trợ quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
Theo anh Nguyễn Anh Khoa, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Du lịch Sao Mai Bình Thuận, để không nằm trong tâm thế "chạy đua" cạnh tranh với nhiều địa phương cùng khu vực, mỗi tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long cần đổi mới sản phẩm, dịch vụ du lịch đơn tuyến và tăng cường kết nối du lịch liên tuyến, bên cạnh những điểm đến đã có thương hiệu đã được du khách biết đến.
Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, góp ý để đồng bằng sông Cửu Long thoát cảnh “vùng trũng du lịch”, cần có sự gắn kết với các hoạt động trải nghiệm vùng sông nước, miệt vườn và với giá trị văn hóa đặc trưng về sinh hoạt truyền thống, sinh kế của người dân như nghệ thuật đờn ca tài tử, văn hóa chợ nổi, lễ hội… Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc, chủ yếu là Kinh, Khmer Nam bộ, Hoa, Chăm với đặc trưng văn hóa đa dạng. Sự đa dạng này, tạo ra môi trường văn hóa thuận lợi cho phát triển du lịch và cung cấp nguồn lao động cho phát triển kinh tế…