July 03, 2025 | 14:11 GMT+7

Bệnh thận trẻ hóa do lối sống và lỗ hổng tầm soát

Hoài Phương -

Việc dự phòng, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý thận là rất quan trọng, bởi một khi thận đã tổn thương nặng hoặc mất chức năng, việc hồi phục gần như không thể…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bác sĩ chuyên khoa I Mai Văn Lực, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết mới đây, đơn vị này tiếp nhận nữ sinh mới 18 tuổi phải nhập viện cấp cứu giữa đêm vì cơn đau dữ dội vùng thắt lưng kèm buồn nôn, tiểu buốt.

Kết quả thăm khám khiến bác sĩ bất ngờ bởi thận của bệnh nhân bị viêm nặng, xuất hiện nhiều viên sỏi nhỏ. Đặc biệt, một viên sỏi kích thước khoảng 4 mm đã di chuyển và làm tắc nghẽn niệu quản, dẫn đến dòng nước tiểu không thể lưu thông, gây viêm mô thận nặng. "Thận của bệnh nhân gần như bị xơ hóa, cứng lại như hóa đá, mất chức năng hoạt động bình thường", bác sĩ Lực cho biết.

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ phát hiện nguyên nhân bắt nguồn từ chính những thói quen ăn uống rất phổ biến trong giới trẻ. Cô gái này cho hay đã ăn mì tôm thay cơm trong suốt thời gian dài. Bên cạnh đó, cô cũng "nghiện" trà sữa, hầu như ngày nào cũng uống, nhưng lại rất lười uống nước lọc. Ngoài ra, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nữ sinh này thường ôn thi đến khuya.

Thận bệnh nhân 18 tuổi gần như "hoá đá". Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Thận bệnh nhân 18 tuổi gần như "hoá đá". Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Tương tự, một bệnh nhân sinh năm 1994 (Hà Nội) bất ngờ phát hiện suy thận khi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Trước nhập viện, cô gái phớt lờ các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, chóng mặt nhưng cô nghĩ bị rối loạn tiền đình.  Đáng nói, mặc dù biết bản thân bị viêm cầu thận từ nhỏ nhưng cô chủ quan không đi khám sức khỏe thường xuyên.

Không chỉ vậy, cô còn thường uống trà sữa, ăn đồ ăn nhanh, là nguyên nhân khiến bệnh tiến triển nhanh, khó kiểm soát. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho người trẻ hay chủ quan, không đi khám sức khỏe định kỳ, có lối sống thiếu lành mạnh. Hiện tại, hàng tuần, cô gái đều đặn đến Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) lọc máu 3 buổi/tuần.

Hay mới đây, một người đàn ông (32 tuổi, trú tại Hà Nội) là nhân viên văn phòng, thường xuyên sử dụng thực phẩm chức năng tăng cơ được quảng cáo trên mạng trong thời gian dài. Sau gần một năm, cơ thể anh xuất hiện những triệu mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu ngày càng ít và màu sẫm. Qua kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy chức năng thận đã suy giảm nặng, bác sĩ kết luận anh bị suy thận mạn, nhiều khả năng âm thầm tiến triển từ lâu.

Theo bác sĩ Mai Văn Lực, bệnh lý sỏi thận ở Việt Nam có xu hướng gia tăng, một phần do yếu tố địa lý. Việt Nam thuộc khu vực “vành đai sỏi” – nơi có tỷ lệ mắc sỏi thận cao, ước tính từ 12 – 14% dân số. Ngoài ra, hàng loạt nguyên nhân có thể góp phần hình thành sỏi: dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa canxi, thay đổi pH nước tiểu, môi trường làm việc nóng bức, lười uống nước, chế độ ăn mặn hoặc ít vận động…

Bệnh thận trẻ hóa do lối sống và lỗ hổng tầm soát - Ảnh 1

Người mắc sỏi thận thường có biểu hiện đau vùng hông lưng. Nếu sỏi rơi xuống niệu quản, sẽ gây cơn đau quặn dữ dội, lan từ lưng xuống bụng dưới, kèm tiểu buốt, tiểu rắt. Nếu không điều trị, sỏi có thể làm tắc nghẽn đường tiết niệu, dẫn tới nhiễm trùng hoặc suy thận.

Việc sử dụng thực phẩm chức năng không rõ thành phần cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây hại thận. Những tổn thương này diễn ra âm thầm, đến khi có triệu chứng rõ ràng thì chức năng thận đã suy giảm nặng, khó hồi phục. “Bệnh thận là bệnh “im lặng", hầu hết các trường hợp không đau, không sốt, không tiểu máu nên dễ bị bỏ qua”, Bác sĩ Dương Minh Tuấn, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo.

Tổ chức Thận học quốc tế (ISN) ước tính hiện có hơn 850 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với các bệnh lý về thận, nhiều gấp đôi số người mắc đái tháo đường và gấp 20 lần số ca ung thư.

Tại Việt Nam, theo thống kê chính thức, có khoảng 8,7 đến 10 triệu người trưởng thành, tương đương 12,8% dân số trưởng thành đang mắc bệnh thận mạn. Trong đó, khoảng 26.000 người đã tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, cần điều trị thay thế bằng chạy thận hoặc ghép thận.

TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), cho rằng xu hướng trẻ hóa của bệnh thận có một phần nguyên nhân đến từ sự gia tăng các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… ở người trẻ. “Chính các biến chứng của nhóm bệnh này lên thận, nếu không kiểm soát tốt, sẽ dẫn đến tổn thương thận không hồi phục,” BS Tuyên nhận định.

Bệnh thận trẻ hóa do lối sống và lỗ hổng tầm soát - Ảnh 2

Mặt khác, một nguyên nhân không thể bỏ qua là lối sống hiện đại đang bào mòn sức khỏe thận một cách thầm lặng. TS.BS Nghiêm Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai), chỉ rõ: “Người trẻ hiện nay sử dụng quá nhiều đồ uống đóng chai, ăn mặn, ăn thực phẩm chế biến sẵn với hàm lượng muối, dầu mỡ và phosphate cao. Cộng với việc thức khuya, ít vận động, thừa cân đều là yếu tố nguy cơ gây tổn thương cầu thận”.

Không chỉ vậy, thói quen bỏ qua các triệu chứng ban đầu cũng góp phần khiến bệnh nhân lỡ cơ hội điều trị sớm. Phù nhẹ, mệt mỏi, tiểu đêm, đau đầu... đều có thể là dấu hiệu tổn thương thận, nhưng thường bị bỏ qua hoặc nhầm với các vấn đề thông thường.

Tỷ lệ người dân chủ động khám sức khỏe, kiểm tra chức năng thận tuy đã tăng, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Một phần là do thiếu kiến thức, phần khác là do tâm lý chủ quan, đặc biệt khi chưa có triệu chứng.

Theo BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa, Trưởng khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), chiến lược hiệu quả nhất là phát hiện sớm và điều trị sớm. Việc khám sức khỏe định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần là rất cần thiết, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì...

Hiện nay, việc tầm soát bệnh khá đơn giản, chỉ cần xét nghiệm máu và nước tiểu để đo creatinine huyết thanh, tính eGFR và kiểm tra albumin niệu. Các xét nghiệm này có chi phí hợp lý, dễ thực hiện tại các cơ sở y tế ban đầu. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị đạt hiệu quả rõ rệt, làm chậm tiến triển đến giai đoạn cuối, giảm nguy cơ tử vong.

Bệnh thận trẻ hóa do lối sống và lỗ hổng tầm soát - Ảnh 3

Đặc biệt, hiện có những phương pháp điều trị mới đã chứng minh hiệu quả rõ rệt về mặt lâm sàng và chi phí. Một bước tiến đáng chú ý là nhóm thuốc SGLT-2i, đơn cử như trong nghiên cứu Dapa CKD có sự tham gia của bệnh nhân Việt Nam, cho thấy giúp giảm 39% nguy cơ bệnh tiến triển và 31% nguy cơ tử vong.

Bộ Y tế cũng đã đưa nhóm thuốc này vào hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn từ tháng 8/2024. Tuy nhiên, cần lưu ý nhóm thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ, không phải người dân tự ý sử dụng.

Để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, các chuyên gia cũng khuyến cáo mỗi người cần chủ động phòng ngừa suy thận ngay từ khi còn khỏe mạnh. Việc duy trì một chế độ sinh hoạt hợp lý như: ăn nhạt, uống đủ nước, vận động thường xuyên, hạn chế rượu bia là bước đầu tiên để bảo vệ thận.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate