July 16, 2025 | 14:29 GMT+7

Nâng tầm chất lượng điều trị tim mạch theo chuẩn quốc tế

Hoài Phương -

Hiện nay, bệnh lý thoái hóa van động mạch chủ ngày càng gặp nhiều khi tuổi thọ và các yếu tố nguy cơ tim mạch tích lũy gia tăng. Trên thế giới, ước tính có khoảng 1 - 3% người trên 75 tuổi có bệnh van động mạch chủ với các mức độ khác nhau...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê toàn quốc, ước tính có từ 100.000 – 150.000 người bệnh đang sống chung với bệnh lý thoái hóa van động mạch chủ. Tuy nhiên, triệu chứng thường âm thầm, dễ nhầm lẫn với suy nhược tuổi già. Chỉ đến khi xuất hiện đau ngực, khó thở, ngất xỉu hoặc đột quỵ, người bệnh mới được chẩn đoán và can thiệp.

Trước đây, việc điều trị các bệnh lý van tim nặng thường phải phẫu thuật tim mở để thay và sửa van. Hiện nay, thành công của các kỹ thuật tiên tiến đã mở thêm nhiều cơ hội cho bệnh nhân cải thiện chất lượng sống.

Ngày 15/7/2025, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hẹp van động mạch chủ nặng, nguy cơ đột tử. Bệnh nhân là ông T.V.C. (73 tuổi) đến thăm khám với các triệu chứng như tức ngực, khó thở, cơ thể suy nhược.

Theo bệnh sử, khoảng 2 năm trước, bệnh nhân đã bắt đầu xuất hiện tình trạng bất thường, mệt mỏi, sụt cân nhưng ông cho rằng cơ thể bị suy nhược tuổi già. Tuy nhiên, qua các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ lên đến 80%. Đây là tình trạng hẹp ở mức rất nặng, nếu không can thiệp người bệnh có nguy cơ đột tử.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thực hiện kỹ thuật TAVI.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thực hiện kỹ thuật TAVI.

Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) cho người bệnh. PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết đây là kỹ thuật ít xâm lấn, không cần mở ngực, rất phù hợp với người cao tuổi, có nhiều bệnh nền hoặc không thể mổ do nguy cơ cao. Sau 3 ngày thực hiện kỹ thuật TAVI, sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục tốt.

Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học “Việt Nam Valves 2025” tổ chức mới đây, BS. Nguyễn Hoàng Định đã trình bày chủ đề: “TAVI-first hay SAVR-first: Yếu tố quyết định”. Nội dung bài báo cáo xoay quanh “Chiến lược quản lý suốt đời ở hẹp van động mạch chủ”, không chỉ là cập nhật chuyên môn mà còn là định hướng chiến lược trong điều trị cá thể hóa, lấy người bệnh làm trung tâm.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM mỗi năm tiếp nhận khoảng 50 – 80 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng, trong đó khoảng một nửa được điều trị bằng phẫu thuật thay van động mạch chủ (SAVR) và một nửa được can thiệp bằng phương pháp TAVI – thay van qua ống thông.

Phẫu thuật kinh điển (SAVR) là lựa chọn tối ưu cho người bệnh dưới 65 tuổi. Ưu điểm lớn là khả năng xử lý đồng thời các bệnh lý tim mạch phối hợp (như giãn động mạch chủ, bệnh van hai lá, rung nhĩ...) và giúp hoạch định điều trị dài hạn. Nếu tuổi thọ của người bệnh dự kiến dài hơn tuổi thọ của van sinh học, thì việc chọn mổ ở lần đầu sẽ giúp dễ dàng can thiệp TAVI ở lần thay van sau, khoảng 12 – 15 năm sau đó.

Ngày 7/6/2025, các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã trình diễn phẫu thuật nội soi toàn bộ thay cùng lúc 2 van tim trước chuyên gia quốc tế.
Ngày 7/6/2025, các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã trình diễn phẫu thuật nội soi toàn bộ thay cùng lúc 2 van tim trước chuyên gia quốc tế.

Ngược lại, TAVI là lựa chọn ít xâm lấn, phù hợp với người bệnh lớn tuổi, có nhiều bệnh lý kèm theo hoặc nguy cơ phẫu thuật cao. Kỹ thuật này không cần mở ngực, thời gian can thiệp ngắn, hồi phục nhanh, người bệnh có thể xuất viện sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, TAVI cũng có giới hạn: cấu trúc giải phẫu không phù hợp, van hai mảnh, hẹp mạch máu ngoại biên hoặc kỳ vọng sống quá dài đều là yếu tố cần cân nhắc. Ngoài ra, TAVI chi phí cao hơn SARV và chưa được bảo hiểm y tế chi trả toàn phần.

“Việc lựa chọn TAVI hay SAVR không đơn thuần dựa trên kỹ thuật, mà phải xem xét toàn diện tuổi tác, bệnh lý nền, cấu trúc tim, điều kiện kinh tế và đặc biệt là kỳ vọng sống. Chúng tôi không chỉ điều trị cho hiện tại, mà còn tính đến những gì có thể làm cho người bệnh sau 10 – 15 năm nữa. Đó mới là điều trị bền vững", BS. Nguyễn Hoàng Định chia sẻ.

Tương tự, đầu năm nay, Đơn vị Tim mạch Can thiệp, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông cho người bệnh lớn tuổi, hẹp van ĐMC khít, nhiều bệnh lý nội khoa nặng nề.

Đó là trường hợp nam bệnh nhân, 79 tuổi, suy tim nặng, thể trạng kém, thiếu máu, suy thận mạn tính. Đặc biệt, van động mạch chủ của người bệnh có biến đổi bất thường về mặt giải phẫu so với người bình thường, chỉ có hai lá van, vôi hóa rất nhiều gây hẹp khít, cản trở lớn lưu thông dòng máu, dẫn đến hậu quả suy tim nặng.

PGS. TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn cùng PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim Mạch, đã có mặt trực tiếp để chỉ đạo, điều phối ca can thiệp. Van động mạch chủ nở bằng bóng cỡ 23mm đã được kíp can thiệp đặt thành công ở ngay lần thả đầu tiên, van nở tối ưu, chênh áp qua van động mạch chủ chỉ còn 12/6.5 mmHg (so trước đó là 74/47 mmHg), không có biến cố trong quá trình can thiệp.

Sau can thiệp 1 giờ, người bệnh đã hồi tỉnh hoàn toàn, có thể ngồi dậy và ăn uống trở lại. Sau 8 giờ, bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng và sau 24 giờ đã trở về sinh hoạt bình thường. Đây là điều khó có thể xảy ra nếu tiến hành phẫu thuật tim hở với tuần hoàn ngoài cơ thể.

Nâng tầm chất lượng điều trị tim mạch theo chuẩn quốc tế - Ảnh 1

Cũng vậy vào tháng 4/2025, ông Bé, 75 tuổi, được các sĩ tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM phát hiện hẹp van động mạch chủ nặng kèm nhiều bệnh nền, thích hợp can thiệp thay van qua ống thông.

ThS.BS.CKI Nguyễn Minh Châu, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, chia sẻ: "Ê kíp quyết định chọn van tự bung Evolut™ FX thế hệ mới nhất. Ngoài ra, ca cấy van động mạch chủ cho ông Bé còn có sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch kỹ thuật số, giúp bác sĩ đánh giá chi tiết đường vào, kích thước và vị trí đặt van…

Sau hơn hai giờ, lá van mới được đưa vào đúng vị trí, không bị di lệch. Thủ thuật kết thúc thành công. Bệnh nhân cải thiện tình trạng khó thở ngay sau can thiệp, chức năng tim ổn định, xuất viện 5 ngày sau đó.

Theo các bác sỹ, để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh hẹp van động mạch chủ – đặc biệt ở người trung niên và cao tuổi – việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là siêu âm tim, đóng vai trò then chốt. Người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, cholesterol cao hoặc hút thuốc lá cần theo dõi sát sao hơn.

Khi xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi bất thường, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám kịp thời. Người bệnh cần hiểu rằng bệnh lý tim mạch, dù nguy hiểm, vẫn có thể kiểm soát hiệu quả nếu phát hiện sớm và được điều trị đúng phương pháp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate