Những vướng mắc này được Bệnh viện Chợ Rẫy nêu ra tại chương trình giám sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu, mua sắm thuốc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM ngày 30/9.
Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Thạc sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời gian qua đơn vị gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu dẫn đến thiếu một số thuốc, vật tư y tế. Không chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm, thuốc điều trị chuyên sâu mà có thời điểm bệnh viện thiếu cả một số loại thuốc phổ biến.
Nguyên nhân một phần là do bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên quá nhiều nhưng một phần cũng do vướng trong quy trình đấu thầu, mua sắm. Khó khăn nhất là giai đoạn xây dựng giá dự toán, có những mặt hàng trong thời điểm đánh giá hồ sơ thầu vẫn còn lưu hành nhưng khi dự thầu đã hết hạn, không thể mua được.
Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định cập nhật giá thị trường, trong hoàn cảnh dịch bệnh, biến động giá đã vượt ngoài khung giá mà Bộ Y tế quy định. Việc mua thuốc hiếm cũng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân trong cung ứng.
Do đó đơn vị này kiến nghị, trong thời gian tới nên thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia hoặc cho bệnh viện áp dụng chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo thuốc điều trị.
Về giá hàng hóa mua sắm, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị nên cho phép các cơ sở y tế lựa chọn giá thuốc, vật tư y tế "hợp lý nhất" chứ không phải là "giá thấp nhất" như quy định về đấu thầu lâu nay. Bộ Y tế cũng cần quy định chi tiết như thế nào là "tình huống cấp bách trong y khoa" để các bệnh viện có thể chỉ định thầu, đảm bảo nguồn thuốc cung ứng cho người bệnh, không bị gián đoạn.
Đối với đến vấn đề tự chủ tài chính bệnh viện, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ ra nghịch lý hiện nay là nguồn thu của bệnh viện do Nhà nước quy định, nhưng phần chi thì buộc phải theo giá trị trường.
Trong khi các quy định của Nhà nước vẫn không thay đổi thì giá cả thị trường đã tăng lên rất nhiều lần. Điều này khiến cho các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi tự chủ tài chính.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhật Hải, Bệnh viện Chợ Rẫy tự chủ tài chính từ năm 2009, đến nay các máy móc đều đã cũ, hỏng cần mua mới. Tuy nhiên, giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ thì bệnh viện không có tiền để mua máy mới, buộc phải sử dụng máy mượn, máy đặt. Hiện nay nếu không cho mượn máy, đặt máy thì bệnh viện sẽ phải đóng cửa vì không có máy để xét nghiệm cho bệnh nhân.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy đồng tình khi cho rằng, việc cho phép các bệnh viện sử dụng máy mượn, máy đặt đi kèm với hóa chất trúng thầu là hợp lý. Việc này giảm được gánh nặng về chi phí cho Nhà nước, tạo thuận lợi cho cả bệnh viện cũng như đơn vị đặt máy.
Từ những thực tế trên, Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất, cần tính đúng, tính đủ giá viện phí với đủ 7 thành phần cấu thành giá, trong đó gồm: chi phí khấu hao tài sản, chi phí hoạt động gián tiếp để vận hành bệnh viện, chi phí đào tạo bồi dưỡng và chuyển giao công nghệ...
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho biết, về những kiến nghị, đề xuất mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã nêu, Đoàn sẽ tổng hợp, đánh giá lại để gửi Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội xem xét nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại kéo dài ở các bệnh viện.