Ô tô điện Trung Quốc vẫn sẽ cạnh tranh tốt ở thị trường châu Âu dù bị Liên minh châu Âu (EU) áp thuế quan bổ sung, nhất là sau khi thuế quan này được điều chỉnh giảm nhẹ vào tháng trước.
Trong đợt rà soát thuế quan mới nhất của EU vào cuối tháng 8, hãng sản xuất xe điện khổng lồ BYD của Trung Quốc được giảm thuế quan bổ sung còn 17% từ 17,4% trước đó. Thuế quan đối với Geely giảm còn 19,3% từ 19,9%. Đối với hãng SAIC, mức thuế giảm còn 36,3% từ 37,6%.
Để làm suy giảm sức hấp dẫn của thị trường châu Âu đối với các nhà xuất khẩu ô tô điện Trung Quốc, EU phải áp thuế quan lên tới 50% - theo công ty nghiên cứu Rhodium. Thậm chí, mức thuế đối với những nhà sản xuất liên kết theo chiều dọc như BYD còn phải cao hơn.
Tương tự, CEO Joseph McCabe của công ty nghiên cứu AutoForecast Solutions nói rằng với hãng tin CNBC rằng thuế quan mà châu Âu áp dụng hiện nay không phải là một trở ngại lớn đối với các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc. “Thuế quan đối với ô tô điện Trung Quốc sẽ tạo ra một trở ngại, nhưng không phải là một rào cản lớn đối với việc tiến vào thị trường châu Âu”, ông McCabe nói.
Cũng theo ông Cabe, thuế quan của EU không thể gây hiệu ứng mạnh như mức mà khu vực Bắc Mỹ đưa ra đối với ô tô điện Trung Quốc, vì các nhà sản xuất thiết bị gốc của châu Âu và Trung Quốc có mối liên hệ qua lại chặt chẽ. Tháng 5 năm nay, Mỹ công bố thuế quan 100% đối với ô tô điện Trung Quốc. Tháng 8 vừa qua, Canada đưa ra quyết định tương tự.
“Để thúc đẩy hoạt động sản xuất ở châu Âu mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc là một sự cân bằng rất khó đạt được”, ông McCabe phát biểu.
Trong khi châu Âu tìm cách hạn chế nhập khẩu ô tô điện Trung Quốc bằng cách dựng hàng rào thuế quan, các nhà sản xuất xe điện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục tung ra những mẫu xe mới hơn và rẻ hơn.
Tại một sự kiện vào tháng 5 năm nay, hãng BYD giới thiệu với thị trường châu Âu mẫu Dolphin với giá dưới 21.550 USD. Mẫu xe này là một phiên bản khác của mẫu Seagull dành cho thị trường Trung Quốc.
Trong một phép so sánh, Model 3 - mẫu xe giá rẻ nhất của hãng xe điện Mỹ Tesla - đang được bán với giá 44.480 USD tại thị trường Anh. Ô tô điện do Tesla sản xuất ở Trung Quốc cũng bị áp thuế quan bổ sung 9% khi nhập khẩu vào EU.
Dù bị đánh thuế bổ sung 17%, một chiếc Dolphil của BYD vẫn có giá rẻ hơn khoảng 23.270 USD so với một chiếc Tesla Model 3 nhập khẩu từ Trung Quốc.
Để cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ “khó nhằn” đến từ Trung Quốc, hãng Volkswagen của Đức đã công bố kế hoạch đến năm 2027 phát triển được một loại xe điện giá rẻ cho thị trường châu Âu với mức giá tương đương khoảng 21.476 USD.
“Bây giờ, lợi nhuận chiếm vị trí thứ yếu so với thị phần. Cộng đồng các nhà đầu tư dành phần thưởng cho các nhà sản xuất xe điện mới mẻ và có sự sáng tạo cao, dựa trên lời hứa về những gì họ có thể làm được, thay vì dựa vào hiệu quả tài chính ngắn hạn như cách mà các nhà sản xuất xe truyền thống được đánh giá”, ông McCabe nói.
Giám đốc tài chính (CIO) William Ma của công ty GROW Investment Group nhận định: “Nếu thực sự phải triệt tiêu ngành công nghiệp xe điện ở Trung Quốc, châu Âu phải áp dụng thuế quan 300%. Mà đây là một điều thực sự vô lý”.
Nếu lĩnh vực sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Trung Quốc bị ảnh hưởng, khả năng Trung Quốc áp thuế quan trả đũa đối với châu Âu là rất cao - ông McCabe cảnh báo.
Tháng 6 năm nay, EU bắt đầu áp thuế quan lên ô tô điện Trung Quốc nhằm phản ứng với “chính sách trợ cấp không bình đẳng” dành cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho rằng sự trợ cấp đó đặt ra “một nguy cơ tổn thất kinh tế” đối với các hãng xe điện châu Âu.
“Vấn đề địa chính trị hoặc trừng phạt này sẽ không dễ dàng được giải quyết trong 1-2 năm tới”, ông Ma nói.