Nêu bất cập đối với thuế tiêu thụ gạo, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho biết tại thị trường trong nước, gạo tiêu thụ nội địa hiện phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) là 5%, trong khi xuất khẩu không phải chịu thuế.
DOANH NGHIỆP "SỢ" MIỄN THUẾ VAT
Theo ông Bá, cá thể sản xuất kinh doanh gạo thường không liên kết với nông dân, trong khi doanh nghiệp triển khai mô hình liên kết với nông dân rất vất vả thì phải nộp thuế. Đây chính là rào cản của mô hình cánh đồng lớn, rào cản cho chuyện liên kết với nông dân, dẫn đến triệt tiêu liên kết chuỗi.
"Nhiều người hỏi tại sao 10 năm trước, Chính phủ có Chỉ thị về xây dựng cánh đồng lớn, nhưng đến nay chương trình này hầu hết không thành công. Chính sự bất công trong chính sách thuế đối với lúa gạo đã phá hỏng các chuỗi lúa gạo", ông Bá nói.
Tại hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững” mới đây, một số doanh nghiệp ngành cao su nêu vấn đề: các nông, thủy sản sơ chế vẫn đang được hưởng chính sách không phải nộp VAT ở khâu kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, sản phẩm mủ cao su sơ chế cũng nằm trong nhóm sản phẩm trồng trọt lại không được áp dụng chung mà phải chịu mức VAT là 5%.
Trả lời vấn đề này, bà Trần Thị Tuyết, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thừa nhận nếu so sánh với sản phẩm trồng trọt khác như cà phê, điều… thì việc áp dụng mức VAT 5% đối với mủ cao su sơ chế và 10% với mủ cao su qua chế biến có vẻ không công bằng.
Tuy nhiên, việc tính VAT sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ đầu vào, nếu không tính VAT cho mủ sơ chế thì các doanh nghiệp không được khấu trừ các khoản đầu vào để hoàn thuế. Vì vậy, doanh nghiệp và hiệp hội nên cân nhắc đến kiến nghị miễn VAT cho mủ cao su sơ chế.
Câu chuyện phân bón được miễn thuế là bài học đắt giá để các doanh nghiệp cao su tham khảo. Trước năm 2015, phân bón tiêu thụ trong nước được áp VAT 5%. Cộng đồng doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị Nhà nước đưa phân bón vào diện VAT ở mức 0%.
Thuận theo kiến nghị này và để góp phần hỗ trợ tối đa cho nông dân, năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, trong đó quy định phân bón là mặt hàng được miễn VAT.
Thế nhưng khi Luật này có hiệu lực thi hành, chính cộng đồng doanh nghiệp ngành phân bón lại nhiều lần gửi đơn kiến nghị xin được nộp thuế. Giải thích về nghịch lý này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết giữa VAT 0% với không chịu thuế (miễn thuế) chỉ khác nhau về câu chữ nhưng bản chất vấn đề lại khác nhau hoàn toàn.
Nếu VAT 0%, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ 100% thuế các nguyên liệu đầu vào, sẽ được hoàn thuế này. Nhưng, khi phân bón thuộc diện không chịu VAT, toàn bộ các khoản thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp phân bón như: điện, than, hóa chất, vận tải, nguyên liệu, thậm chí cả thiết bị đầu tư không được hoàn thuế.
Phân bón nhập khẩu cũng được miễn thuế như phân bón sản xuất trong nước. Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước trên thế giới, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ VAT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất.
Điều này dẫn đến giá phân bón nhập khẩu về rẻ hơn phân bón sản xuất trong nước, do đó nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước buộc phải giảm công suất, giảm sản lượng và thiệt hại nhiều tỷ đồng...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47 phát hành ngày 21-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam