September 15, 2022 | 11:44 GMT+7

Bí quyết để trúng tuyển vào các doanh nghiệp lớn

Thu Hằng -

Ngoài doanh nghiệp lớn, các ứng viên nên ứng tuyển vào cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì giá trị nhận lại là tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau, từ đó để lựa chọn môi trường làm việc thực sự phù hợp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những chia sẻ này được lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự “bật mí” trong workshop vừa diễn ra với chủ đề "Bí quyết để làm việc cho Big Corp”.

HÃY ỨNG TUYỂN THẬT NHIỀU, KHÔNG KỂ DOANH NGHIỆP LỚN HAY NHỎ

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Nguyễn Mạnh Hải, Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc PG Bank, cho rằng điều đầu tiên là cần biết được thông điệp cũng như văn hóa của chính doanh nghiệp đó, rằng họ đang tìm kiếm và hướng đến điều gì để chuẩn bị những kỹ năng phù hợp.

Nhớ lại thời điểm cách đây 20 năm khi chuẩn bị tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm, ông Hải nói rằng bản thân khi đó đã chuẩn bị 30 bộ hồ sơ xin việc vào 30 công ty, định chế tài chính lớn, song kết quả là không nhận được thư trúng tuyển của bất kỳ doanh nghiệp lớn nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, với ông Hải những giá trị nhận lại là rất nhiều.

“Làm 30 bộ hồ sơ nghĩa là mình phải đọc 30 mô tả về doanh nghiệp, 30 nền văn hóa khác nhau, 30 người lãnh đạo với những hoài bão khác nhau. Đó là những trải nghiệm mà ngay cả khi mình không trúng tuyển vào những doanh nghiệp lớn thì chúng ta vẫn nhận được những giá trị từ các doanh nghiệp đó một cách gián tiếp”, ông Hải nhớ lại.

Theo ông Hải, ngoài doanh nghiệp lớn nên ứng tuyển vào cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì giá trị nhận lại là chúng ta được tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau, sau đó mới biết điều gì thực sự phù hợp với mình.

“Việc ứng tuyển càng nhiều càng tốt, kể cả khi chúng ta được nhận vào doanh nghiệp mơ ước, khả năng đó sẽ không phải là doanh nghiệp duy nhất mình gắn bó cả cuộc đời với họ. Cho nên hãy ứng tuyển thật nhiều đến mức các bạn ngập trong hồ sơ hơn cả một nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp nào nhận trước thì vào trước làm một thời gian để học hỏi kinh nghiệm”, ông Hải nhìn nhận.

Chung nhận định, Tiến sĩ Đinh Thị Hồng Duyên, Chuyên gia tư vấn về Quản trị doanh nghiệp, Nguyên Giám đốc Sale & Marketing, Giám đốc Vận hành Công ty VinBrain thuộc Tập đoàn Vingroup, cho rằng thực tế trước khi vào làm việc ở một doanh nghiệp lớn, phần lớn mọi người đều đã trải qua rất nhiều vị trí ở các doanh nghiệp nhỏ, sau khi bước vào một doanh nghiệp lớn thường chấp nhận lùi một bước.

“Đang làm giám đốc nhân sự ở bên ngoài, nhưng khi tôi ứng tuyển vào Vingroup chỉ với vị trí gần như là trưởng phòng trong tập đoàn, sau đó mới phát triển dần lên lại vị trí giám đốc. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta có rất nhiều cơ hội, nếu như các bạn có những cơ hội ở những tập đoàn lớn thì mình hoàn toàn có thể ứng tuyển vào, nhưng nếu không có thì chúng ta cũng hoàn toàn có rất nhiều những cơ hội ở ngoài”, bà Duyên gợi mở.

KỸ NĂNG NÀO QUAN TRỌNG?

Theo các chuyên gia, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cơ hội việc làm hiện nay rất nhiều, đặc biệt tại các doanh nghiệp quy mô lớn, song điều cần có của các ứng viên là cần chuẩn bị kỹ năng thật tốt và phù hợp.

Người lao động cần chuẩn bị các kỹ năng phù hợp khi ứng tuyển. Ảnh - Nhật Dương. 
Người lao động cần chuẩn bị các kỹ năng phù hợp khi ứng tuyển. Ảnh - Nhật Dương. 

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Thị Hồng Duyên cho rằng bên cạnh kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ thì kỹ năng quan trọng hiện nay mà ứng viên cần có chính là ngoại ngữ (tiếng Anh). “Trong CV thì một trong những điều gây ấn tượng với nhà tuyển dụng đó chính là bằng tiếng anh, IELTS, TOEIC, TOEFL. Chỉ cần có yếu tố này đã là điểm nhấn cho nhà tuyển dụng. Ngoài ra, ứng viên cần kỹ năng về công nghệ, nếu biết sử dụng các phần mềm thì điều đó rất tốt, bởi vì kỹ năng công nghệ sẽ giúp các bạn nổi bật hơn”, bà Duyên đánh giá.

Từ quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp, bà Duyên nói rằng điều trăn trở nhất của các doanh nghiệp, đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là làm thế nào để thu hút và giữ chân được nhân sự. “Chính vì vậy các trẻ đang có rất nhiều cơ hội bên ngoài, nhưng các bạn nên có một mục tiêu rõ ràng, từ đó tìm được những ngành nghề, công việc tương đương để làm và có kinh nghiệm trước, khi phát triển được trong nghề đó sẽ vững vàng hơn khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp lớn”, bà Duyên chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hải, trong thời đại hiện nay, một kỹ năng rất quan trọng không chỉ được áp dụng khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí trong chính cuộc sống đó là quản lý dự án, phải đặt tất cả sự cố gắng và tâm huyết vào mỗi dự án cho dù đó là dự án rất nhỏ.  

Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Hải cho rằng đối với cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, việc lựa chọn nhân sự vào công ty là chọn “người đồng hành” đáng tin cậy, sẵn sàng cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn thử thách.

“Lòng tin cậy xuất phát từ sự chân thành, trung thực, có rất nhiều bạn sẽ nghĩ là khi đi phỏng vấn phải luôn thể hiện điểm mạnh, không được để lộ điểm yếu, như vậy vô tình chúng ta sẽ tránh né những điểm chưa phù hợp với doanh nghiệp đó, điều này rất nhiều nhà tuyển dụng đã được đào tạo về cảm nhận, tâm lý có thể nắm bắt được. Cho nên phẩm chất đầu tiên khi ứng tuyển hãy là chính mình. Điểm mạnh thì “show” ra, điểm chưa mạnh hãy sẵn sàng chia sẻ và đón nhận, luôn học hỏi không ngừng bằng thái độ chủ động tích cực”, ông Hải bày tỏ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate