Ngày 30/8, tỷ phú Warren Buffett bước sang tuổi 91. Cùng nhìn lại những bí quyết thành công từng được nhà đầu tư huyền thoại này chia sẻ qua các thư gửi cổ đông công ty Berkshire Hathaway, bài phỏng vấn với truyền thông…, theo tổng hợp của phóng viên, tác gia nổi tiếng Bill Murphy Jr đăng tải trên tạp chí Inc.
VẬN MAY ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI TÁO BẠO
Năm 1961, khi chưa đầy 21 tuổi, vào một ngày thứ Bảy, ông Buffett bắt tàu từ quê nhà ở bang Oklahoma đến thủ đô Washington DC và tìm tới trụ sở của công ty bảo hiểm Geico, nơi thần tượng của mình - nhà đầu tư nổi tiếng Benjamin Graham - làm việc. Ông Graham, tác giả những cuốn sách nổi tiếng như The Intelligent Investor (Nhà đầu tư thông minh), Security Analysis (Phân tích Chứng khoán)..., sau này trở thành người thầy và cố vấn của ông Buffett.
Còn với công ty Geico, sự xuất hiện đột ngột của thanh niên 21 tuổi đã dẫn tới một bài giảng kéo dài 4 tiếng về ngành công nghiệp bảo hiểm từ một vị giám đốc mà sau này trở thành Tổng giám đốc của Geico. Bài giảng này giúp ông Buffett và Geico có mối liên hệ lâu dài tới tận sau này. Hiện đế chế đầu tư Berkshire của ông Buffett là chủ sở hữu của Geico. Và ông Buffett gọi các khoản đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm của Berkshire là những "viên ngọc quý" của công ty.
Nếu như 70 năm trước, ông Buffett không táo bạo xuất hiện tại Geico, tất cả những điều trên có thể không xảy ra. Theo tác giả Murphy, bài học rút ra là: Sự táo bạo mang lại thành quả, và sự táo bạo từ sớm mang lại thành quả lớn nhất.
ĐO LƯỜNG MỌI THỨ ĐỂ CẢI THIỆN
Là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về doanh nhân, ông Murphy cho biết ông Buffett có thể là người nắm kỷ lục về việc thống kê và đo lường những thứ ít người làm. Tỷ phú 91 tuổi từng tiết lộ ông giữ lại bản sao của tất cả tờ khai thuế liên bang mà ông từng nộp từ năm 1944, khi mới 13 tuổi.
Trên thực tế, không nhiều người nộp tờ khai thuế lần đầu vào năm 1944 còn sống đến bây giờ, chứ chưa nói tới việc họ còn giữ lại tất cả giấy tờ đó.
Với ông Buffett, nhờ việc lưu trữ giấy tờ thuế trên, ông có thể lập tức nói về những điều như thời điểm ông mua và bán cổ phiếu Geico vào năm 1951.
Theo Murphy, đây là một ví dụ về sự khác thường của ông Buffett, nhưng bài học rút ra rất rõ ràng: Mọi thứ có thể đo lường đều nên được lưu lại.
“Thành công hay thất bại mà bạn lưu lại chính là những thứ mà bạn có thể học hỏi và cải thiện”, ông Murphy cho biết.
TIN VÀO NHỮNG GÌ MÌNH TẬN MẮT THẤY
Đây là điều được ông Buffett chia sẻ trong một lá thư gửi cổ đông Berkshire, kèm theo câu nói của đại văn hào Mỹ Henry David Thoreau: "Quan trọng không phải là bạn nhìn gì mà là bạn thấy gì".
Theo giải thích của ông Buffett, điều mà ông “nhìn thấy” trong suốt nhiều thập kỷ đó là sự thành công của Công ty Coca-Cola. Trên thực tế, khi còn nhỏ, công việc đầu tiên của ông có liên quan tới việc bán Coca-Cola. Đó là khi ông làm thêm tại cửa hàng tạp hóa của ông nội với nhiệm vụ chia nhỏ các lốc Coca-Cola để bán.
Tới năm 1988, khoảng 52 năm sau thời điểm làm thêm tại cửa hàng của ông nội, ông Buffett quyết định đầu tư vào Coca-Cola.
“Nếu tôi ‘nghĩ thông’ ngay từ ngày đó, thì năm 1936, tôi đã thuyết phục ông nội bán cửa hàng tạp hóa và đầu tư toàn bộ tiền vào cổ phiếu Coca-Cola”, ông Buffett viết trong thư gửi cổ đông Berkshire.
Trong số 46 danh mục thuộc danh mục đầu tư của Berkshire hiện tại, Coca-Cola là cổ phiếu được nắm giữ lâu nhất - 33 năm. Đây cũng là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn thứ 4 trong danh mục của công ty này khi có giá trị lên tới 22,7 tỷ USD.
Sau này, ông Buffett thậm chí trở thành người hâm mộ của loại đồ uống này khi uống tới 5 lon Coca-Cola một ngày.
THỪA NHẬN SAI LẦM VỚI BẢN THÂN VÀ VỚI NGƯỜI KHÁC
Đầu năm nay, trong thư gửi cổ đông Berkshire mới nhất, ông Buffett đã thừa nhận một sai lầm lớn của mình. Tỷ phú 91 tuổi cho biết ông "đã trả quá cao" khi Berkshire chi 32,1 tỷ USD vào năm 2016 để mua Precision Castparts Corp - một công ty sản xuất linh kiện máy bay và công nghiệp, đồng thời là vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của Berkshire.
Tháng 8/2020, Berkshire đánh tụt giá trị của Precision một khoản 9,8 tỷ USD, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây sụt giảm nhu cầu đi lại và đối với các sản phẩm khác của công ty này. Buffett cho biết không ai lừa ông cả và nguyên nhân của sai lầm này là do “quá lạc quan”.
Đây không phải lần đầu tiên nhà đầu tư huyền thoại này thừa nhận sai lầm. Ông từng nói về những sai lầm của Berkshire như giữ mảng kinh doanh dệt may ban đầu quá lâu hay thậm chí từng gọi việc mua lại cổ phiếu Berkshire là “một sai lầm đắt đỏ”.
Theo tác giả Murphy, dù thế giới chỉ biết đến những sai lầm mà Buffett thừa nhận công khai và vẫn có thể còn những sai lầm lớn hơn khác mà ông giữ cho riêng mình, nhưng bài học ở đây rất rõ ràng: “Rất khó để học hỏi từ những sai lầm nếu như bạn không thừa nhận chúng”.
BIẾT ĐÂU LÀ ĐIỂM DỪNG
Tỷ phú Buffett từng cho biết đây là bài học ông rút ra được sau một sai lầm lớn. Sai lầm đó là, sau gần 20 năm phớt lờ lời kêu gọi đóng cửa các nhà máy dệt may của Berkshire, cuối cùng ông cũng làm theo vào những năm 1980.
“Ở đây không giống như thi đấu Olympics. Bạn sẽ không có thêm điểm chỉ vì đã thực hiện việc gì đó rất khó”, vị tỷ phú nổi tiếng từng nói.
Theo tác giả Murphy, đây là điều mà hầu hết mọi người hay bỏ qua. Mọi người thường tập trung quá nhiều vào việc họ đã bỏ ra bao nhiêu công sức và năng lượng để tạo ra thứ gì đó - ví dụ như một ngôi nhà, một công ty, một tác phẩm nghệ thuật, nhưng lại không tập trung vào giá trị của kết quả đó.