May 17, 2025 | 09:56 GMT+7

Ông Trump phát tín hiệu sẽ không đàm phán thương mại với nhiều quốc gia

An Huy -

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/5 phát tín hiệu có thể áp thuế quan cao hơn đối với nhiều đối tác thương mại của Mỹ thay vì đàm phán để đi đến thỏa thuận với tất cả...

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm UAE - Ảnh: AP/FT.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm UAE - Ảnh: AP/FT.

Theo tờ báo Finacial Times, phát biểu tại một cuộc gặp với lãnh đạo doanh nghiệp trong chuyến thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Trump nói Mỹ sẽ áp thuế quan mới “trong 2-3 tuần tới”. Ông nói thêm rằng “150 quốc gia” muốn đàm phán để có thỏa thuận, nhưng “gặp gỡ hết những người muốn gặp chúng tôi là một việc bất khả thi”.

Ông chủ Nhà Trắng cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick sẽ “gửi thư để nói với các nước” về việc “họ sẽ phải trả mức thuế như thế nào để được làm ăn với Mỹ”.

Theo kế hoạch thuế quan đối ứng mà ông Trump công bố hồi đầu tháng 4, hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị áp mức thuế dao động từ 10-50%. Sau đó, ông hạ mức thuế về 10% trong 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc bị tăng thuế lên 145%.

Phát biểu ngày 16/5 của ông Trump có thể là một dấu hiệu cho thấy nhiều đối tác thương mại của Mỹ sẽ bị tăng thuế đối ứng trở lại trước khi hết thời hạn tạm hoãn 90 ngày. Điều này làm gia tăng thêm sự bất định liên quan tới chính sách thương mại của Mỹ sau một loạt cú “quay xe” đầy bất ngờ trong thời gian qua.

Giới chức Mỹ hiện đang tiến hành đàm phán với các đối tác thương mại chính, và các nước đều mong muốn nhận được mức thuế quan thấp hơn. Theo Financial Times, đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Mỹ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Ngoài thuế quan đối ứng, ông Trump còn áp thuế quan 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada, và thuế quan 25% lên các mặt hàng ô tô, thép và nhôm nhập khẩu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã mở các cuộc điều tra nhằm vào con chip, dược phẩm, đồng, gỗ xẻ, khoáng sản quan trọng và linh kiện hàng không vũ trụ. Các cuộc điều tra này đều có thể dẫn tới việc áp thuế quan lên các mặt hàng đó.

Đến hiện tại mới chỉ có Anh đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, theo đó Mỹ giảm thuế quan cho ô tô, nhôm và thép nhập khẩu từ Anh vào Mỹ. Nhưng hàng hóa Anh nói chung vẫn bị Mỹ áp thuế 10%, không thay đổi so với mức thuế trước khi đàm phán. Giới chức Mỹ đã nói rằng đây sẽ là mức thuế đối ứng tối thiểu đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận “đình chiến” thương mại, với Mỹ giảm thuế cho hàng Trung Quốc về 30% và Trung Quốc giảm thuế cho hàng Mỹ về 10%, có hiệu lực trong 90 ngày. Tuy nhiên, ông Trump đã cảnh báo rằng hai bên sẽ mất nhiều thời gian để đi đến một thỏa thuận cuối cùng.

Về phần mình, Nhật Bản đã phát tín hiệu sẵn sàng chờ thêm để đạt một thỏa thuận tốt hơn với Mỹ, bao gồm được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan 25% đối với mặt hàng ô tô, để tránh vấp phải sự phản ứng trong nước.

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mỹ và đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á - muốn tránh làm suy giảm mối quan hệ song phương, và Thủ tướng Shigeru Ishiba lúc đầu cũng ưu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước các quốc gia khác.

Tuy nhiên, nguồn tin là giới chức ở Tokyo tiết lộ với Financial Times rằng doanh nghiệp trong nước và từ nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã gây sức ép muốn Chính phủ không vội vàng chấp nhận môt thỏa thuận có thể gây rủi ro cho ngành công nghiệp ô tô và ngành nông nghiệp Nhật. Điều này buộc ông Ishiba phải tính toán lại, theo các nguồn tin.

“Mặc dù Nhật Bản lúc đầu rất muốn trở thành nước đầu tiên đạt thỏa thuận, cảm giác đó bây giờ đã thay đổi và trọng tâm bây giờ là đảm bảo đạt được một thỏa thuận tốt”, một quan chức ở Tokyo nói với Financial Times.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate