Giới đầu tư lo ngại nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ suy yếu do làn sóng biến chủng Delta của Covid-19 lây lan mạnh.
Tính đến phiên này, giá dầu đã giảm 7 phiên liên tục. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải áp phong toả để chống làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta, hoạt động đi lại vì thế bị cắt giảm.
Tại Trung Quốc, đất nước theo đuổi chiến lược “triệt tiêu Covid” (“zero-Covid”), các biện pháp kiểm dịch và khử trùng tại các cảng biển được thắt chặt thêm một nấc, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn tàu chở chở hàng. Những nước như Australia và Mỹ cũng siết hạn chế đi lại, dẫn tới sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ xăng hàng không sau khi nhu cầu này đã khởi sắc trong phần lớn thời gian của mùa hè.
“Rất khó để giá dầu tìm được sự hỗ trợ trong môi trường bấp bênh thế này”, nhà quản lý đầu tư John Kilduff thuộc Again Capital LLP nhận định với hãng tin Reuters.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,27 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 65,18 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 8%.
Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,37 USD/thùng, tương đương giảm 2,2%, còn 62,32 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu WTI sụt 9%.
Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, giá dầu Brent vẫn tăng hơn 28% và giá dầu WTI tăng gần 31%.
Ông Kilduff đặc biệt lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc. “Họ hành động quyết liệt đối với cả những ổ dịch nhỏ. Điều này đặt ra nguy cơ trực tiếp đối với nhu cầu tiêu thụ dầu”, ông nói.
Ngoài ra, nhiều công ty Mỹ đã hoãn kế hoạch đưa nhân viên trở lại làm việc ở văn phòng. Apple, công ty có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất của Mỹ lùi kế hoạch này sang tận đầu năm 2022.
Giá dầu còn chịu áp lực từ sự mạnh lên của đồng USD. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm chương trình mua tài sản trong năm nay, cũng như nhu cầu mua USD để phòng ngừa rủi ro của nhiều nhà đầu tư, đã đưa tỷ giá đồng bạc xanh lên mức 9 tháng. Dầu được định giá bằng USD, nên đồng USD tăng giá có thể dẫn tới việc giá dầu giảm.
Ngoài ra, nguồn cung dầu tiếp tục tăng cũng là một nguyên nhân khiến dầu giảm giá. Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt bình quân 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần gần nhất, tăng so với trước đó, và các công ty dầu khí ở nước này đã tăng số giàn khoản dầu hoạt động tuần thứ ba liên tiếp.
Một báo cáo tuần này từ Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến đạt bình quân 8,1 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, tổng sản lượng dầu của Mỹ năm nay dự kiến đạt bình quân 11,1 triệu thùng/ngày, giảm từ 11,3 triệu thùng/ngày trong năm ngoái, và mức cao nhất mọi thời đại 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, vẫn đang nới sản lượng khai thác dầu một cách từ tốn, nhằm khôi phục lại phần sản lượng đã cắt giảm khi đại dịch mới bắt đầu.
Tương quan giữa các hợp đồng tương lai cho thấy thị trường đang kỳ vọng nguồn cung dầu dồi dào trong những tháng tới. Chênh lệch cao hơn (premium) của giá hợp đồng dầu Brent giao tháng tới so với hợp đồng giao sau 3 tháng đã giảm gần một nửa trong thời gian từ tháng 7 đến nay, cho thấy nguồn cung dầu trong ngắn hạn có thể sẽ không thắt chặt như dự báo ban đầu.
“Thị trường dầu nhanh chóng nhận thấy rằng biến chủng Delta đang trở thành một vấn đề ngày càng lớn, và có thể sẽ là một trở ngại đối với sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ năng lượng”, chiến lược gia Francisco Blanch của Bank of America nói trong một báo cáo.