August 12, 2021 | 11:44 GMT+7

Vì sao Mỹ kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác dầu?

An Huy -

Động thái trên một lần nữa cho thấy Washington đã trở lại với “truyền thống” kêu gọi OPEC tăng sản lượng mỗi khi giá xăng tăng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Nhà Trắng ngày 11/8 kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng sản lượng khai thác dầu - một nỗ lực nhằm kiềm chế đà tăng giá xăng mà các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho là “đặt ra nguy cơ cản trở sự phục hồi đang diễn ra của kinh tế toàn cầu”.

Trong một tuyên bố, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng OPEC và đồng minh (tức nhóm OPEC+), gần dây đã nhất trí tăng sản lượng, nhưng mức tăng đó “chưa hoàn toàn bù đắp sự cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đã thực thi từ khi đại dịch bắt đầu” - tờ Financial Times đưa tin.

“Ở vào một thời điểm rất quan trọng của sự phục hồi kinh tế toàn cầu, mức tăng sản lượng đó đơn giản là chưa đủ”, ông Sullivan nói, và cho biết Mỹ đang “trao đổi với các thành viên liên quan trong OPEC+ về tầm quan trọng của thị trường cạnh tranh trong việc thiết lập giá cả”.

 
Các Tổng thống Mỹ George HW Bush, Bill Clinton, George W Bush, và Donald Trump đều đã đề nghị OPEC tăng nguồn cung dầu mỗi khi giá xăng ở Mỹ tăng cao hay trong những đợt Mỹ can thiệp quân sự vào Trung Đông.

Giá xăng ở Mỹ đã tăng mạnh thời gian gần đây, khi nhu cầu lái xe của nước này gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Giá xăng bình quân trên toàn quốc ở Mỹ hiện ở mức 3,19 USD/gallon, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu từ AAA. Mức giá xăng bình quân kỷ lục ở Mỹ là 4,1 USD/gallon thiết lập hồi năm 2008.

Phản ứng với lời kêu gọi của Mỹ đối với OPEC, giá dầu thế giới có lúc giảm 2% trong phiên ngày 11/8, nhưng kết thúc phiên giao dịch với mức tăng khá mạnh. Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,36%, đạt 69,25 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,15%, đạt 71,44 USD/thùng.

Sự can thiệp lần này của Nhà Trắng hoàn toàn trái ngược với chính sách của Tổng thống Donald Trump khi giá dầu lao dốc hồi năm ngoái. Khi đó, ông Trump kêu gọi OPEC tăng giá dầu để giúp các công ty dầu đá phiến của Mỹ vượt qua một trong những đợt sụt giảm tồi tệ nhất của thị trường dầu trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, động thái trên một lần nữa cho thấy Washington đã trở lại với “truyền thống” kêu gọi OPEC tăng sản lượng mỗi khi giá xăng tăng. Các Tổng thống Mỹ George HW Bush, Bill Clinton và George W Bush đều đã đề nghị OPEC tăng nguồn cung dầu mỗi khi giá xăng ở Mỹ tăng cao hay trong những đợt Mỹ can thiệp quân sự vào Trung Đông.

Ông Trump - người thường đăng trạng thái (tweet) trên Twitter về giá dầu trong những lần họp của OPEC và cáo buộc nhóm này “thao túng” giá dầu, bóc lột người tiêu dùng Mỹ - đã đạt một thoả thuận với Saudi Arabia vào năm 2018 về vấn đề tăng sản lượng dầu, ngay trước khi ông rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran và tái áp lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu lửa của quốc gia vùng Vịnh này.

Khi Covid-19 trở thành đại dịch vào năm 2020 khiến giá dầu có lúc giảm dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử, ông Trump lại dựa vào đợt cắt giảm sản lượng mạnh chưa từng thấy của OPEC để cứu các công ty dầu đá phiến của Mỹ. Cuộc họp vào tháng 4/2020 của OPEC+ nhất trí mức cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày.

Nhờ nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+ và chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid, giá dầu thế giới đã hồi về ngưỡng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, giới phân tích hiện đang lo ngại rằng sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Covid Delta trên toàn cầu có thể cản trở đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Tháng trước, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 2% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, cho tới cuối năm 2021. Nhóm cũng dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ khôi phục lại toàn bộ phần sản lượng đã cắt giảm.

OPEC hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về lời kêu gọi nâng sản lượng mà Mỹ đưa ra.

Chính quyền ông Biden cũng đang kêu gọi Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra, xử lý bất kỳ hành vi thao túng nào trên thị trường xăng ở Mỹ. Trao đổi với báo giới, ông Biden cho biết ông lo ngại khi thấy giá dầu thô gần đây có giảm, nhưng giá xăng bán lẻ ở Mỹ chưa hề giảm. “Đó là điều không ai mong đợi trên một thị trường cạnh tranh”, ông nói.

Diễn biến giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Diễn biến giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

Lạm phát cao đang có nguy cơ trở thành một vấn đề chính trị ở Mỹ, khi phe Cộng hoà cáo buộc phe Dân chủ khiến giá tiêu dùng tăng cao, bao gồm giá xăng, do tăng chi tiêu công một cách bất cẩn. Mới đây, Thượng viện Mỹ do Đảng Dân chủ nắm đa số đã thông qua một gói đầu tư hạ tầng 1 nghìn tỷ USD và bàn ngay tới một kế hoạch chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD nữa.

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 5,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 20 năm.

Ngành dầu lửa Mỹ và các đồng minh của ngành này chỉ trích lời kêu gọi OPEC tăng sản lượng là sự thiếu nhất quán với những chính sách của ông Biden về hạn chế khai thác năng lượng hoá thạch ở Mỹ. “Cầu xin OPEC tăng sản lượng trong lúc gây khó dễ cho các công ty năng lượng Mỹ là một điều gây khó hiểu”, thượng nghị sỹ Cộng hoà John Cornyn đến từ Texas nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate