Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc, đóng góp khoảng 3,8% GDP, với doanh thu đạt 59,1 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, du lịch quốc tế đến Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi đất nước này đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng sau một loạt các sự việc liên quan đến lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Chính quyền dự đoán rằng Hàn Quốc khó có thể đạt mục tiêu đón 20 triệu du khách nước ngoài trong năm nay do những gián đoạn này.
TÂM LÝ LO LẮNG, BẤT AN TỪ DU KHÁCH
Theo Reuters, hàng loạt nguồn tin từ lĩnh vực khách sạn và quản lý hành chính nhận định rằng sự can thiệp của quân đội trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc lần này là một sự việc nghiêm trọng, có thể làm giảm đáng kể lượng khách tới đây du lịch và công tác, trong khi ngành du lịch Hàn Quốc đang gần đạt mức phục hồi hoàn toàn, với số lượng khách quốc tế đạt 97% so với trước đại dịch, tính đến tháng 10 năm nay.
Cuộc sống thường ngày và các hoạt động du lịch tại Hàn Quốc vẫn diễn ra bình thường, dù các cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn tiếp tục diễn ra kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol rút lại lệnh thiết quân luật sau 6 giờ đồng hồ vào ngày 4/12, sau khi Quốc hội phủ quyết. Các nhà phân tích nhận định rằng hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực của Hàn Quốc vẫn đang phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, vẫn có một số du khách đã hủy đặt phòng, dù con số không đáng kể, trong khi một số khác tỏ ra lo lắng và cân nhắc khả năng hủy chuyến nếu tình hình diễn biến phức tạp, theo nguồn tin từ ngành du lịch và khách sạn tới Reuters. Tập đoàn khách sạn Accor, sở hữu các khách sạn cao cấp nổi tiếng như Fairmont và Sofitel, cho biết tỷ lệ hủy đặt phòng tại Hàn Quốc đã tăng nhẹ kể từ ngày 3/12, cao hơn khoảng 5% so với tháng trước.
Hiệp hội Khởi nghiệp Du lịch Hàn Quốc gần đây đã cho biết rằng lượng đặt phòng cho nửa đầu năm 2025 đã giảm mạnh. Nhiều khách sạn tại thủ đô Seoul, vốn trước đây luôn kín phòng, nay đã có phòng trống do khách hủy đặt. Một số khách sạn thậm chí còn "giảm giá phòng và đưa ra các ưu đãi đặc biệt để thu hút thêm khách", theo lời một công ty du lịch inbound dấu tên chia sẻ với Reuters.
Nhân viên tại một khách sạn gần Quảng trường Gwanghwamun, Seoul, cho biết lượng đặt bàn tại nhà hàng thuộc khách sạn cũng giảm nhẹ do các cuộc biểu tình lớn vào cuối tuần. Khách hàng tỏ ra lo ngại về tình trạng tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó, đại diện truyền thông một khách sạn hạng sang ở trung tâm tài chính Yeouido tiết lộ có nhiều cuộc gọi từ khách nước ngoài dò hỏi các thông tin liên quan đến tình hình sau ban bố thiết quân luật.
"Có lẽ họ được đại sứ quán của nước mình tại Hàn Quốc cảnh báo về tình trạng du lịch. Một số người quyết định hủy phòng, nhưng chúng tôi cho rằng không đáng lo ngại", vị đại diện nói.
"Ngành du lịch có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu các lo ngại về an toàn ở Seoul tiếp tục gia tăng," Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon phát biểu hôm thứ Tư vừa rồi, trong cuộc gặp gỡ với các đại diện ngành du lịch để thảo luận về tình trạng suy giảm nhu cầu du lịch.
Ông Oh Se Hoon cũng cho biết: "Ngày càng có nhiều trường hợp du khách nước ngoài hủy chuyến tới Seoul hoặc rút ngắn thời gian lưu trú". Để trấn an du khách, ông tuyên bố bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật: "Seoul vẫn an toàn". Ông cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo rằng du khách sau khi trải nghiệm tại Seoul sẽ rời đi với niềm tin rằng đây là một thành phố an toàn, đáng nhớ và xứng đáng để quay lại".
CÁC THỊ TRƯỜNG DU KHÁCH LỚN CÒN E DÈ
Đầu năm nay, các Bộ trưởng Du lịch của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt 40 triệu lượt du lịch qua lại giữa ba quốc gia vào năm 2030. Mục tiêu đầy tham vọng này tập trung vào việc khôi phục mật độ khách du lịch trước đại dịch tại các nước này thông qua tăng cường hợp tác và gia tăng số lượng các chuyến bay thẳng giữa các khu vực. Nhưng với các biến động chính trị hiện nay tại Hàn Quốc, tương lai vẫn còn chưa quá rõ ràng.
Nhiều đoàn du lịch Nhật Bản, một bộ phận khách hàng quan trọng trong thị trường du lịch quốc tế đến Hàn Quốc, đã hủy chuyến tới Hàn Quốc, trong khi một số công ty lữ hành nhận được các câu hỏi liên quan đến vấn đề an toàn từ khách hàng. Trong tuần qua, một số quốc gia như Anh và Israel đã khuyến cáo công dân hạn chế các chuyến đi không cần thiết đến Seoul do lo ngại về "khả năng bất ổn".
Các doanh nghiệp phục vụ khách quốc tế, bao gồm các nhà lữ hành tour du lịch Trung Quốc, đang theo dõi sát sao tình hình tại Hàn Quốc. Đại diện từ một công ty du lịch Hàn Quốc chuyên phục vụ du khách Trung Quốc thừa nhận rằng các lo ngại đang gia tăng, nhưng người này hy vọng tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vài tuần tới.
Du khách có thể cảm thấy e ngại khi đến Hàn Quốc sau các sự kiện chính trị căng thẳng, nhưng theo các nguồn tin trong ngành, những lo ngại này có khả năng chỉ mang tính tạm thời.
"Chắc chắn sẽ có một số tác động, nhưng nó chỉ là ngắn hạn," Steven Zhao, CEO của nền tảng du lịch trực tuyến China Highlights có trụ sở tại Quế Lâm, mới đây đã chia sẻ với South China Morning Post. "Nỗi sợ này chỉ tồn tại trong một giai đoạn mà thôi".
Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) cho biết hiện nay tất cả các địa điểm du lịch tại Hàn Quốc đang hoạt động bình thường và an toàn dưới sự quản lý chặt chẽ của chính phủ. Các hoạt động du lịch dành cho người dân và du khách quốc tế đều diễn ra thuận lợi và bảo đảm an toàn.
KTO cam kết tiếp tục tạo ra môi trường du lịch an toàn, thuận lợi cho khách du lịch đến Hàn Quốc. Mọi thắc mắc, yêu cầu hướng dẫn, dịch vụ thông dịch hoặc phản ánh về du lịch Hàn Quốc, du khách có thể liên hệ qua Tổng đài du lịch Hàn Quốc 1330, hỗ trợ bằng các ngôn ngữ tiếng Anh, Nhật, Trung, Nga, Thái, Việt, Indonesia.