Du lịch nông thôn còn được gọi là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với địa bàn nông thôn, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc trưng văn hóa, truyền thống làng quê, gắn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con sinh sống ở nông thôn. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, số lượng du khách tham gia vào loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm 10% với doanh thu khoảng 30 tỷ USD.
THÚC ĐẨY HỢP TÁC
Hiện nay, lượng khách hướng về du lịch nông nghiệp ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những mũi nhọn trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các địa phương.
Tại tọa đàm “Phát huy giá trị tích hợp của du lịch nông thôn” diễn ra vào tháng 6 năm nay, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho hay, trên cơ sở báo cáo của 63 Sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh, thành phố, cả nước hiện có 488/1.731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó, có 382 điểm, tức là khoảng 80% nằm trên địa bàn nông thôn.
Đặc biệt, Việt Nam đã có 3 làng được công nhận là Làng Du lịch tốt nhất của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism): Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên, 2022), Làng Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình, 2023) và Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam, 2024).
Tuy nhiên, dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng trên thực tế, những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa chú trọng về thương hiệu, bị trùng lặp giữa các địa phương. Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có đủ kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp, nên chưa tận dụng hết lợi thế để tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch.
Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, từ ngày 9 - 11/12/2024, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism.
Hội nghị mang tính toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 50 quốc gia, đại diện cho các cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết Hội nghị sẽ thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, bảo đảm phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
Hội nghị sẽ tập trung vào ba chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn...
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG CHO THẤY LỢI THẾ
Để hưởng ứng Hội nghị Quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất, từ ngày 7 - 12/12, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát du lịch (FamTrip) tại 3 tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Chuyến khảo sát có sự tham gia của trên 50 thành viên đến từ các doanh nghiệp lữ hành có trụ sở ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, góp phần tạo cơ hội các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu, khám phá tiềm năng du lịch, vẻ đẹp cảnh quan, văn hóa, con người tại các điểm du lịch ở miền Trung.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết khác biệt lớn nhất của chương trình khảo sát du lịch Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là các điểm đến của đoàn chủ yếu ở những vùng còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch. Do đó, trong hành trình, các chuyên gia du lịch sẽ trải nghiệm, chia sẻ ý kiến đóng góp với cơ quan quản lý du lịch quốc gia và địa phương, đề xuất những sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trên cơ sở phát huy được thế mạnh của địa phương, để tiếp tục phát triển, hoàn thiện các dịch vụ du lịch.
Trước đó, ngày 7/12, Sở Văn hóa-Thể tháo & Du lịch Thanh Hóa tổ chức lễ công bố 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour). Đây là sản phẩm du lịch mới ở tỉnh Thanh Hóa nhằm mang lại đột phá cho ngành du lịch khu vực miền núi. Trong đó có 4 tuyến trên địa bàn huyện Bá Thước, gồm: Tuyến trekking đỉnh Pù Luông (1.700m); Tuyến trekking mạo hiểm hòn Con Sói; Tuyến trekking đỉnh Pù Luông - Hòn Con Sói; Tuyến trekking cung đường di sản Pù Luông (Tuyến liên huyện Bá Thước - Quan Hóa).
Huyện Quan Hóa gồm 3 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Hu (1.440m); Tuyến trekking cây di sản chò xanh; Tuyến trekking đỉnh Pù Hu - Cây di sản chò xanh. Huyện Thường Xuân gồm 5 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Gió (1.600m); Tuyến trekking thăm cây di sản pơ mu, sa mu; Tuyến trekking ngắm voọc xám và vượn đen má trắng; Tuyến trekking ngắm voọc xám, vượn đen mà trắng và thăm cây di sản pơ mu, sa mu; Tuyến trekking đỉnh Pù Xèo - Thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai.
Ngoài các tuyến du lịch trên, các tour trekking còn được thiết kế dựa trên nhu cầu, sở thích của khách du lịch. Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể tháo & Du lịch Thanh Hóa, cho biết hình thức du lịch mạo hiểm trekking tour đã đánh dấu một bước tiến mới cho ngành du lịch Thanh Hóa và sẽ là cơ hội cho các huyện miền núi đột phá trong phát triển du lịch, mang lại doanh thu mỗi năm.
Bên lề hội nghị Hội nghị Quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất, UBND tỉnh Quảng Nam cũng sẽ tổ chức chương trình khảo sát các điểm đến nông thôn dành cho đại biểu tham dự. Những trải nghiệm như khám phá làng rau Trà Quế, tìm hiểu nghệ thuật làm gốm truyền thống tại làng Thanh Hà, và dạo bước tại phố cổ Hội An không chỉ giúp giới thiệu vẻ đẹp văn hóa và tiềm năng du lịch của Quảng Nam mà còn góp phần khẳng định sức hút của du lịch nông thôn Việt Nam.