Theo một nghiên cứu về dữ liệu nhập viện từ chương trình bảo hiểm y tế lớn nhất tại Nam Phi, biến thể Covid-19 Omicron có thể nguy hiểm hơn nhiều cho trẻ em so với các biến thể trước đó.
Cụ thể, dữ liệu từ 56.164 người nhập viện do Covid-19 trong số hơn 2 triệu người thụ hưởng của Chương trình y tế cho nhân viên chính phủ của Nam Phi cho thấy, tỷ lệ nhập viện ở trẻ em dưới 4 tuổi trong làn sóng Omicron bùng phát cao hơn 49% so với làn sóng Delta.
Tỷ lệ này cũng cao hơn nhiều so làn sóng dịch do virus SARS-CoV-2 gốc và biến thể Beta, theo dữ liệu được phân tích bởi Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD).
Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập viện ở lứa tuổi 4-18 ở làn sóng Omicron cũng cao hơn 25% so với làn sóng Delta, dù thấp hơn so với Beta.
Xu hướng nhập viện ở trẻ em ngược lại với người trưởng thành trong sóng dịch Omicron với tỷ lệ nhập viện ở người trưởng thành ở mức thấp nhất so với 4 biến thể gây ra các đợt bùng dịch lớn tại Nam Phi trước đó.
“Người dưới 18 tuổi hiện chiếm tỷ lệ lớn trong số các ca nhiễm Covid-19 và cũng là nhóm chiếm tỷ lệ nhập viện cao ở bệnh nhân Covid-19”, NICD cho biết trong báo cáo công bố ngày 19/1. “Điều này có thể cho thấy biến thể Omicron nhìn chung ảnh hưởng tới trẻ em nhiều hơn so với người lớn”.
Tuy nhiên, NICD cũng nói rằng kết quả có thể bị sai lệch bởi thực tế là trước tháng 11/2021, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tại Nam Phi chưa được tiêm vaccine Covid-19, còn trẻ dưới 12 tuổi không đủ điều kiện để tiêm. Tỷ lệ tiêm vaccine ở nhóm người trưởng thành tại nước này hiện cao hơn nhiều so với trẻ em.
Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, độ tuổi bình quân của các bệnh nhân Covid-19 trong giai đoạn bùng dịch Omicron là 38,5. Trong khi đó, độ tuổi này ở đợt bùng dịch do biến thể Delta, Beta và chủng virus gốc lần lượt là 40,8; 45,6 và 43. Trên tất cả nhóm tuổi, chỉ có 15,4% người dương tính trong giai đoạn Omicron phải nhập viện. Trong khi tỷ lệ này ở làn sóng Delta, Beta và virus gốc lần lượt là 19,3%, 28,4% và 21,4%.
Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào cuối tháng 11/2021, gây chấn động trên toàn cầu. Biến thể này lây lan khắp Nam Phi với tốc độ chóng mặt và biến nước này trở thành tâm dịch chỉ trong vài ngày. Biến thể này hiện cũng trở thành chủ đạo tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đến nay, làn sóng lây nhiễm Omicron đã chấm dứt ở Nam Phi với những hậu quả không nghiêm trọng. Việc tiêm vaccine cùng với tỷ lệ nhiễm cao trước đó đã giúp tăng khả năng miễn dịch tổng thể của người dân Nam Phi, từ đó làm giảm đáng kể tỷ lệ ca nặng và tử vong trong làn sóng Omicron.
"Sóng dịch Omicron hiện chiếm chưa tới 5% tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Nam Phi kể từ khi đại dịch bắt đầu. Dù nhiều biến chủng mới sẽ xuất hiện, giai đoạn nguy nan nhất của đại dịch với số ca tử vong kinh hoàng có thể đã kết thúc", Shabir Madhi, giáo sư chuyên khoa tiêm chủng ở Nam Phi cho biết. "Tôi lạc quan rằng chúng ta đã đi đến giai đoạn bước ngoặt trong đại dịch này. Những gì Nam Phi trải qua ở ba đợt sóng đầu tiên đã không tái diễn".
Tuy nhiên, một số quốc gia khác tỏ ra thận trọng và cảnh báo rằng thế giới không nên phụ thuộc quá nhiều vào dữ liệu y tế của Nam Phi, đồng thời lưu ý rằng sự khác biệt về dân số trẻ và tỷ lệ lây nhiễm cao đã thúc đẩy khả năng miễn dịch ở nước này.
Dù Omicron không gây ra nhiều ca tử vong nhưng Nam Phi cũng đã chứng kiến khoảng 94.000 người mất đi sinh mạng trong các làn sóng Covid-19 trước đây. Đây là con số không nhỏ so với dân số gần 60 triệu người của nước này.