Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định Eris là loại "biến thể cần tiếp tục theo dõi" từ ngày 19/7 sau khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, trong đó ghi nhận mức độ lây lan ngày càng nhiều trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á. Sau khi phát hiện đợt bùng phát của biến thể này, vào ngày 9/8/2023, WHO đã khẳng định đây là "biến thể cần quan tâm".
Dựa trên thông tin giải trình tự gen được gửi tới cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID, kể từ ngày 7/8 đến nay, biến thể Eris đang lây lan mạnh ở 11 quốc gia. Theo Đài CNBC, thông tin mới nhất của GISAID cho thấy phần lớn các trường hợp nhiễm EG.5 được xác định ở Trung Quốc, tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada, Úc, Singapore, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), EG.5 hiện là chủng chiếm ưu thế ở Mỹ, chiếm 17,3% số ca bệnh tính đến tuần kết thúc vào ngày 5/8. Các triệu chứng của EG.5 được báo cáo giống với các biến thể trước đây, bao gồm sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, sổ mũi, thay đổi vị giác và khứu giác.
Hiện nay, các hãng dược như Moderna, Pfizer và Novavax chuẩn bị đưa ra vaccine Covid-19 mới vào mùa thu này nhắm vào các biến thể XBB, có nguồn gốc từ Omicron. Novavax cho biết vaccine của họ “tạo ra các phản ứng miễn dịch chức năng đối với các biến thể phụ XBB bao gồm XBB.1.5, XBB.1.16 và XBB.2.3".
Ông Justin Lessler, giáo sư tại khoa dịch tễ học Trường Y tế công cộng toàn cầu UNC Gillings, cho biết: “EG.5 là một phần của dòng XBB và có liên quan chặt chẽ hơn với các biến thể XBB so với các biến thể trước đó. Vì lý do này, người ta kỳ vọng các loại vaccine được cải tiến - dự kiến ra mắt vào mùa thu này - sẽ mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn đối với chủng EG.5 so với các loại vaccine trước đây”.
Vaccine mới được gọi là vaccine "hai giá trị", đã được điều chỉnh để phù hợp với chủng virus ban đầu cũng như biến chủng phụ của Omicron là BA.1. Thử nghiệm cho thấy vaccine khi sử dụng làm liều tăng cường có thể kích hoạt "phản ứng miễn dịch mạnh mẽ", chống lại cả BA.1 và virus gốc năm 2020. Báo cáo từ CDC Mỹ cho thấy vaccine thế hệ mới cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm biến chủng phụ XBB. Vaccine giúp giảm 48% nguy cơ mắc triệu chứng nhẹ ở người 18 đến 49 tuổi từ hai đến ba tháng sau tiêm. Tỷ lệ hiệu quả ở người từ 50 đến 64 tuổi là 38%, người 65 tuổi trở lên là 42%.
Các chuyên gia của CDC bày tỏ sự hài lòng đối với kết quả nghiên cứu. Họ cho rằng người dùng vaccine sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn trước các biến chủng mới, trong đó có cả chủng EG.5, một dòng phụ của Omicron. "Vaccine giúp giảm một nửa nguy cơ nhiễm bệnh ở cấp độ dân số. Kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm cho thấy vaccine sẽ bảo vệ người dùng khỏi triệu chứng nghiêm trọng. Đây là nghiên cứu liên quan đến các ca nhiễm có triệu chứng. Chúng tôi phỏng đoán tỷ lệ ngăn ngừa ca nhập viện sẽ tương tự, khả năng ngăn ngừa ca tử vong cao hơn", tiến sĩ Ruth Link-Gelles, chuyên gia của CDC, cho biết.
Một số chuyên gia y tế công cộng hy vọng người Mỹ sẽ hoan nghênh loại vaccine mới như họ sẽ tiêm phòng cúm, tuy nhiên đa phần giới chức nước này tỏ ra lo ngại rằng sẽ có không nhiều người còn muốn tiêm, ngay cả khi số ca nhập viện do Eris đang gia tăng. Nhu cầu về vaccine đã giảm mạnh kể từ khi hơn 240 triệu người ở Mỹ, tương đương 73% dân số, đã được tiêm ít nhất một mũi. Vào mùa thu năm 2022, vào thời điểm hầu hết mọi người đã nhiễm virus Covid-19, chưa đến 50 triệu người đi tiêm phòng.
Theo Ashley Kirzinger, Giám đốc Phương pháp Khảo sát của Quỹ Kaiser Family, để đợt tiêm chủng tiếp theo diễn ra thành công, giới chức y tế cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối nguy hiểm tiềm tàng liên quan đến Covid-19, dù đã tuyên bố kết thúc đại dịch. Trong khi đó, các nhà sản xuất vaccine cũng đặt mức dự báo khá thấp cho chiến dịch tiêm chủng vào mùa thu tới. Pfizer gần đây đã cảnh báo có thể phải cắt giảm việc làm nếu hoạt động không hiệu quả. Đối thủ của Pfizer, Moderna, thừa nhận nhu cầu tiêm chủng từ giờ tới cuối năm có thể chỉ là 50 triệu liều.
Năm ngoái, doanh số bán vaccine của Pfizer và Moderna đạt 56 tỉ USD trên toàn thế giới; trong khi trong năm nay các nhà phân tích dự đoán chỉ khoảng 20 tỉ USD. Giám đốc CDC Mandy Cohen hy vọng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép và CDC khuyến nghị triển khai tiêm vaccine mới vào tuần thứ 3 hoặc thứ 4 của tháng 9. Bà đề nghị người Mỹ nên xem những mũi tiêm này như một biện pháp hàng năm để bảo vệ chính mình, giống như việc tiêm phòng cúm hàng năm.
Giới chức Mỹ cho rằng người dân cũng sẽ chủ quan hơn khi WHO nhận định đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy EG.5 gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và WHO xác định biến thể này có nguy cơ "thấp" đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Loại virus này sẽ xâm nhập vào các tế bào và mô trong cơ thể - tương tự như XBB.1.5 (đôi khi được gọi là Kraken) và các biến thể Omicron khác. Mặc dù mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà nó gây ra sẽ cần phải nghiên cứu thêm nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó khác với XBB.1.5.
Theo WHO, các biến thể mới phát hiện liên quan đến Covid-19 có thể không khác biệt về mặt di truyền. Vì vậy, khả năng miễn dịch, vaccine, xét nghiệm và điều trị vẫn được xem là hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng. Dù vậy, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng vẫn có nguy cơ xuất hiện một biến thể nguy hiểm hơn có thể gây ra sự gia tăng đột ngột về số ca mắc và tử vong. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, những người có nguy cơ mắc bệnh nên cân nhắc việc tiêm nhắc lại bằng các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện có trên thị trường và sử dụng khẩu trang.