Theo các chuyên gia, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn với cường độ gay gắt hơn là một hình thái thời tiết cực đoan do tình trạng ấm lên toàn cầu, không những cướp đi sinh mạng của hàng nghìn con người mà còn tác động nghiêm trọng đến kinh tế.
Điều này được phản ánh qua số người nhập viện gia tăng, hoạt động sản xuất trong ngành xây dựng giảm mạnh, sản lượng nông nghiệp giảm và thậm chí gây thiệt hại trực tiếp tới hạ tầng cơ sở. Số người tử vong quá nhiều do nắng nóng cũng gây tổn thất kinh tế.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết ở nhiệt độ khoảng 33 -34 độ C, một người lao động trung bình mất 50% sức lao động. ICO dự báo các đợt nắng nóng vào năm 2030 có thể làm giảm hơn 2% số giờ lao động trên toàn cầu, tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian, gây thiệt hại kinh tế 2.400 tỷ USD, cao gấp gần 10 lần so với mức thiệt hại năm 1995.
Theo cảnh báo của Tổ chức Khi tượng Thế giới (WMO) ngày 17/5, hiện tượng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng thấy. Có 90% khả năng El Nino sẽ xảy ra trong năm 2023. Theo dự báo của cơ quan này, 80% sẽ có ít nhất một đợt El Nino ở mức độ vừa xảy ra, với nhiệt độ bề mặt đại dương sẽ tăng 1 độ C. Mặt khác, 55% sẽ có một đợt El Nino mạnh với nhiệt độ bề mặt đại dương tăng đến 1,5 độ C. Vì hiệu ứng của El Nino đối với nhiệt độ trên toàn cầu thường xảy ra vào năm sau khi hiện tượng này xuất hiện, nên tác động rõ ràng nhất có thể là năm 2024. Theo dự đoán của WMO, trong 2 năm tới, nhiệt độ trên toàn thế giới sẽ có sự tăng mạnh.
Nếu dự báo trên về El Nino của WMO chính xác thì nó có thể gây thiệt hại lên tới 3.000 tỷ USD trên nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới. Đây cũng chính là kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học ở Đại học Dartmouth mới công bố trên tạp chí Science.
Do biến đổi khí hậu có thể làm tăng tần suất và cường độ của các sự kiện El Nino trong tương lai, nghiên cứu dự đoán, thiệt hại kinh tế toàn cầu có thể lên tới 84 nghìn tỷ USD vào cuối thế kỷ 21, ngay cả khi các cam kết giảm lượng khí thải carbon hiện tại được đáp ứng. Và tác động hầu hết sẽ gây gánh nặng cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Học giả Chris Callahan tại Đại học Dartmouth, tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Có những suy thoái dai dẳng trong tăng trưởng kinh tế kéo dài trong 5, thậm chí 10 năm sau những sự kiện này". “Nếu các cá nhân gặp các mối nguy hiểm về thời tiết và khí hậu ảnh hưởng đến năng lượng và vận tải, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Hiện tại, chúng ta thích nghi kém hơn nhiều với sự biến đổi khí hậu so với những gì chúng ta hiểu trước đây", đồng tác giả Justin Mankin cho hay.
Hai chuyên gia Callahan và Mankin đã tiến hành phân tích thiệt hại đợt El Nino xảy ra trong giai đoạn năm 1982 – 1983 và phát hiện ra rằng hiện tượng này đã khiến cho toàn cầu mất tới 4.100 tỷ USD trong vòng 5 năm. Một đợt El Nino khác vào năm 1997 – 1998 cũng đã "cuốn bay" 5.700 tỷ USD của thế giới. Các chuyên gia cũng đã phân tích tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ năm 1960 đến năm 2019, tập trung vào những năm sau các sự kiện El Nino và La Nina - nước biển mát hơn ở Thái Bình Dương.
Từ đó, nhóm nghiên cứu phát hiện ra khoảng 56% các quốc gia đã trải qua sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng tới 5 năm sau sự kiện El Nino. Trong khi đó, các sự kiện La Nina đôi khi cho thấy lợi ích với nền kinh tế toàn cầu bởi có khả năng chuyển lượng mưa nhiệt đới sang nhiều khu vực lục địa hơn, thúc đẩy nông nghiệp và giảm nguy cơ cháy rừng. Nhưng sự tăng trưởng này không thể vượt qua được những thiệt hại do El Nino gây ra.
Trên thực tế, những dấu hiệu cho thấy đợt El Nino tiếp theo có thể sẽ rất dữ dội. Thế giới vừa thoát khỏi một đợt La Nina hiếm gặp kéo dài trong 3 năm (2020 - 2022). Hiện tượng này có thể ảnh hưởng tới El Nino và khiến nó trở nên đặc biệt mạnh trong năm nay. Mặc dù khó lường trước nhưng ông Christopher Callahan cho rằng đợt El Nino lần này là một loại kiểm thử đối với hành tinh xanh đang bị nóng lên vì biến đổi khí hậu. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các chính phủ tăng cường sự chuẩn bị để ứng phó với các điều kiện khắc nghiệt, hiện tượng thời tiết cực đoan.
Mặt khác, các nhà khoa học từ Đại học San Diego chỉ ra rằng con người sẽ mất ngủ trong môi trường nóng bức, đặc biệt là vào thời điểm đầu đêm. Mô hình khoa học dự đoán thời lượng giấc ngủ ngon sẽ giảm hơn nữa khi nhiệt độ tăng, nhất là đối với người già và cộng đồng thu nhập thấp.
Nghiên cứu thực hiện trên 47.000 người trưởng thành ở 68 quốc gia. Nick Obradovich, điều tra viên tại Viện Max Planck về Phát triển Con người cùng các đồng nghiệp đã tìm thấy sự thay đổi rõ rệt về thời lượng giấc ngủ khi nhiệt độ ban đêm tăng thêm 10 độ C. Vào những đêm trên 30 độ C, mọi người ngủ ít hơn khoảng 14 phút so với bình thường. Nếu tính trên khoảng thời gian dài hơn, mỗi người mất trung hình 44 giờ ngủ mỗi năm trong thời tiết nóng. Khi tình trạng nóng lên tiếp tục diễn ra, mọi người sẽ khó có một đêm ngon giấc.
Thực tế, nhiệt độ ban đêm ấm lên nhanh hơn nhiệt độ ban ngày ở nhiều nơi trên toàn cầu. Cho đến năm 2100, các nhà khoa học ước tính mọi người sẽ mất khoảng 50 đến 58 giờ ngủ mỗi năm. "Chúng ta chưa hoàn toàn thích nghi với khí hậu nơi chúng ta đang sống. Nhiệt độ nóng hơn làm tổn hại giấc ngủ trên diện rộng", tiến sĩ Obradovich giải thích. Ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, bệnh tim, tâm lý hoặc tử vong sớm.