October 20, 2023 | 23:18 GMT+7

Biểu dương 138 doanh nghiệp đóng góp lớn đối với nghĩa vụ ngân sách

Ánh Tuyết -

Danh sạch 138 doanh nghiệp được biểu dương về việc có đóng góp lớn vào nghĩa vụ ngân sách được đánh giá là một phần kết quả có tính chất tương tác từ các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế phí, tiền thuê đất với quy mô lớn trên 700.000 tỷ đồng...

138 doanh nghiệp tiêu biểu đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, giúp nguồn thu nội địa luôn đạt và vượt dự toán giai đoạn 2020-2022.
138 doanh nghiệp tiêu biểu đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, giúp nguồn thu nội địa luôn đạt và vượt dự toán giai đoạn 2020-2022.

Phát biểu tại Hội nghị “Biểu dương người nộp thuế tiêu biểu trong việc chấp hành pháp luật thuế giai đoạn 2020-2022” tổ chức ngày 20/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết giai đoạn 2020-2022 gắn với tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Quyết tâm vượt khó, ngành tài chính chủ động đề xuất và triển khai có hiệu quả các giải pháp, chính sách tài khoá, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước được giao. Trong đó, "thu thuế nội địa luôn đạt và vượt dự toán, thu năm sau cao hơn năm trước, quy mô thu ngân sách nhà nước không ngừng gia tăng", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Nhờ đó, ngành tài chính góp phần thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Kết quả này có sự đóng góp công sức to lớn và hết sức quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân, đơn vị trực tiếp sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị kinh tế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là 138 doanh nghiệp được biểu dương ngày hôm nay.

 

Trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hơn 507.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng.

Liên quan đến các tiêu chí để xét biểu dương người nộp thuế tiêu biểu, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh ba điểm cốt yếu.

Thứ nhất là chấp hành tốt pháp luật thuế. Đây là những đơn vị có ý thức chấp hành pháp luật thuế tốt trong giai đoạn 2020-2022 thể hiện qua việc khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi trốn thuế trong giai đoạn 2020-2022; không bị các cơ quan pháp luật xử lý đối với hành vi mua bán hóa đơn trái phép đến hết năm 2022.

Thứ hai, về đóng góp cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp được biểu dương là những đơn vị có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước theo lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, theo từng địa phương trong giai đoạn 2020-2022; đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 người nộp thuế được biểu dương.

Thứ ba, đối với xã hội, đó là các đơn vị triển khai tốt các chương trình chuyển đổi số.

Cũng trong giai đoạn 2020-2022, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cơ quan đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách nhà nước khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, có nguồn lực để duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đó, năm 2020, Chính phủ thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 130 nghìn tỷ đồng, năm 2021 là khoảng 132 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2022, tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

"Đây là một con số không hề nhỏ và có ý nghĩa như một khoản Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho  người dân, doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh", lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh công sức của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc tạo ra giá trị kinh tế và nguồn thu ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh công sức của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc tạo ra giá trị kinh tế và nguồn thu ngân sách.

Mới đây nhất, năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng.

Gần đây nhất, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng. Nhờ hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, có thể khẳng định Nhà nước phản ứng chính sách nhanh, đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Từ đó, góp phần quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi, phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy sự chuyển mình, cất cánh của nền kinh tế trong nước sau đại dịch.

Song song với việc ban hành các chính sách tài khóa, với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế để hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Nổi bật là năm 2020, ngành thuế xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thông qua hệ thống quản lý thuế Etax. Năm 2021, ngành thuế kích hoạt triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi vượt tiến độ hơn 2 tháng theo quy định.

"Việc triển khai thành công hóa đơn điện tử góp phần giúp chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngành thuế cũng đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục nỗ lực tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ở mức cao nhất, chia sẻ tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định ngành thuế hướng tới tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa trong quản lý thuế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate