“Dogfooding” là thuật ngữ chỉ việc các công ty công nghệ thử nghiệm các phát minh trên chính nhân viên của họ. Điều này giống như việc trước khi cố gắng mời người khác ăn món bạn nấu, tốt nhất bạn nên nếm thử món đó trước. Suy nghĩ và cách làm này của Thung lũng Silicon vẫn tiếp tục.
Đó cũng là một cách tuyệt vời để phát hiện vấn đề và thực hiện các chỉnh sửa trước khi triển khai sản phẩm đầy đủ ra công chúng. Nhân viên Google Anthony Vallone đã giải thích cách tiếp cận này trong một blog năm 2014.
Năm đó, ông đã viết: “Dogfooding là một phần quan trọng trong quá trình thử nghiệm của chúng tôi. Phản hồi nội bộ này trong nhiều trường hợp đã làm thay đổi thiết kế sản phẩm".
Một thập kỷ trôi qua, Thung lũng Silicon dường như đang bắt tay vào chiến dịch dogfooding lớn nhất từ trước đến nay. Chiến dịch này chính là việc các công ty Big Tech sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn và các công cụ AI tổng quát và đưa chúng vào hoạt động trong tổ chức của chính họ.
'NGỖNG VÀNG” AI CỦA GOOGLE VÀ COPILOT CỦA MICROSOFT
Ý nghĩa của những thử nghiệm dogfood này rất lớn, sẽ giúp quyết định mức độ thành công thực sự của các sản phẩm AI trong thực tế. Hàng nghìn tỷ USD đang đổ vào việc này. Những phát hiện này cũng có thể thay đổi cách các công ty Big Tech hoạt động – và số lượng kỹ sư đắt giá mà họ cần. Hàng triệu việc làm đang phụ thuộc vào điều này.
Chủ tịch Google Ruth Porat đã ám chỉ điều này trong cuộc gọi báo cáo thu nhập gần đây khi bà thảo luận về “tinh giản các hoạt động trên khắp Alphabet thông qua việc sử dụng AI”.
Hiện tại Google đang âm thầm thử nghiệm nội bộ một mô hình AI mới mang tên Goose và được thiết kế để giúp nhân viên Google viết mã phần mềm nhanh hơn và tốt hơn.
Bên cạnh Google, thông tin cho biết Microsoft cũng vừa bắt tay vào một thử nghiệm nội bộ lớn tương tự. Gã khổng lồ phần mềm đã triển khai bản nâng cấp năng suất AI 365 Copilot mới cho nhân viên. Một nhóm lớn tại Microsoft đã tổ chức cuộc “hackathon” gần đây để giúp nhân viên cập nhật các kỹ thuật mới nhất trong việc triển khai AI.
Lời hứa của LLM và AI tổng quát là thế giới sẽ có những phần mềm tự động hóa các tác vụ một cách hiệu quả đến mức các công ty sẽ tạo ra sản phẩm nhanh hơn hoặc tạo ra cùng một lượng sản phẩm với ít nhân viên hơn. Hoặc cả hai.
Các công ty Big Tech muốn bán các công cụ AI để giúp các doanh nghiệp, nhà phát triển, nhà quảng cáo, người sáng tạo và những khách hàng khác đạt đến “cõi niết bàn” về năng suất mới này. Còn cách nào thuyết phục khách hàng tốt hơn là cho họ thấy nhà phát triển đã sử dụng AI để hợp lý hóa hoạt động của chính mình như thế nào?
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TRONG TƯƠNG LAI SẼ NHƯ THẾ NÀO?
Nếu công nghệ AI này đáp ứng được sự cường điệu mà nó đang tạo ra, có thể thấy hàng nghìn lập trình viên phần mềm được trả lương cao và những người lao động tri thức khác sẽ mất việc làm. Hoặc, những nhân viên hiện tại có thể tiếp tục làm việc và sản xuất ra nhiều thứ hơn.
Dù sao đi nữa, hiện nay vẫn còn một dấu hỏi lớn đối với các công việc công nghệ được trả lương cao. Đã có sự bùng nổ việc làm trong toàn ngành trong 2 thập kỷ qua. Nhưng 20 năm tới có vẻ sẽ ít màu hồng hơn trên thị trường lao động.
Nếu các cuộc thử nghiệm dogfood này diễn ra tốt đẹp, các công ty Big Tech có thể không cần thuê nhiều nhân công trong tương lai.
Ví dụ, năm ngoái, chuyên gia kỳ cựu về cơ sở hạ tầng của Google Urs Hölzle đã nói trong một email nội bộ rằng công ty sẽ sử dụng tự động hóa để “tìm ra những cách làm việc hiệu quả hơn”. Điều đó bao gồm việc giảm tỷ lệ kỹ sư.
Đã có một số đợt sa thải công nghệ nặng nề trong năm qua. Tuy nhiên, các công ty Big Tech vẫn có rất nhiều nhân viên được trả lương rất cao.
Vào cuối năm 2023, Google có 182.502 nhân viên. Con số này đã giảm ít hơn 8.000 so với một năm trước đó. Microsoft có hơn 200.000 nhân viên.