Chủ tịch UBND Bình Dương vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Thuận An đến năm 2040.
Thuận An được xác định là đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn ở phía Nam tỉnh đồng thời giữ vai trò kết nối hệ thống đô thị phía Bắc với TP.HCM, là đầu mối giao thông quan trọng.
Theo đó, để tăng vai trò đầu mối giao thông và tính liên kết giữa Bình Dương với TP.HCM, TP. Thuận An dự kiến sẽ xây dựng thêm ba cây cầu trên sông Sài Gòn.
Cụ thể, ngoài cầu Phú Long hiện hữu, cầu Bình Gởi trên đường Vành đai 3 qua huyện Củ Chi, Thuận An sẽ bổ sung cầu trên đường cầu Tàu (phường Hưng Định) nối huyện Hóc Môn; cầu Vĩnh Phú (đường VP09) kết nối Quận 12; phục hồi cầu sắt Lái Thiêu thành cầu kiến trúc cảnh quan.
Bên cạnh đó, hàng loạt tuyến được chính trong thành phố và các tuyến đường kết nối các địa phương lân cận dự kiến cũng được cải tạo với lộ giới từ 32 - 54 mét. Tỉnh quy hoạch một số tuyến đường song hành với các trục đường chính đô thị như Đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và ĐT743a, ĐT743b nhằm chia sẻ lưu lượng vận tải, lộ giới từ 22-30m.
Theo quy hoạch được duyệt, Thuận An sẽ cải tạo, chỉnh trang nhiều khu vực có diện tích khoảng 2.000 ha. Địa phương tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên các dự án theo hướng tăng thêm quỹ đất phát triển hạ tầng xã hội như mẫu giáo mầm non, công viên cây xanh....
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đối với các khu vực đô thị truyền thống như trung tâm phường Lái Thiêu rộng khoảng 99,72 ha và khu vực xung quanh chợ Búng rộng khoảng 8,39 ha sẽ cải tạo chỉnh trang theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể. Khu vực này cũng xây dựng các mô hình thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, phố đi bộ, phố đêm... phục vụ du lịch gắn với khu vực vườn trái cây Lái Thiêu.
Quy hoạch cũng xác định hành lang đất hỗn hợp (đất chuyển đổi) khoảng 1.154 ha trên các trục giao thông chính sẽ ưu tiên chuyển đổi để phát triển các dự án đa chức năng như dịch vụ - đô thị, nhà ở chất lượng cao, giáo dục và đào tạo...
Ngoài ra, 260 ha đất ven sông Sài Gòn và hai bên đường Vành đai III hiện nay chưa có đường xây dựng, quỹ đất nông nghiệp còn lớn, mật độ xây dựng thấp. Khu vực này được xác định là nơi đặt các tổ hợp giải trí, du lịch, khách sạn nhà hàng, chung cư chất lượng cao, condotel và các công trình dịch vụ đô thị khác. Tỉnh dự kiến sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ chất lượng cao xung quanh các bến hành khách trên sông Sài Gòn, có giao thông kết nối với khu vực xung quanh.
Đối với 659 ha đất tại An Sơn, An Thạnh và Hưng Định, được quy hoạch thành khu đô thị vườn trái cây theo mô hình gắn nhà ở kết hợp homestays với các vườn trái cây chất lượng cao phục vụ du lịch. Đất hỗn hợp trên các trục chính có đường sắt đô thị như: đại lộ Bình Dương cho phép xây dựng cao tối đa 60 tầng; đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành cho phép tầng cao tối đa 50 tầng.
Để sớm thành đô thị loại I, Thuận An sẽ xây dựng nhiều công trình, dự án mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Một số dự án nổi bật được tỉnh đưa ra gồm: đê bao sông Sài Gòn từ Vĩnh Phú đến ranh Thủ Dầu Một; bệnh viện đa khoa mới; đầu tư các công viên đô thị tại các phường Bình Hòa, Bình Chuẩn; tuyến đường sắt từ ga An Bình - Bàu Bàng. Khu công nghiệp Đồng An, Việt Hương sẽ được chuyển đổi công năng thành khu thương mại - dịch vụ.
Thuận An được công nhận thành phố năm 2020. Đô thị này nằm ở vị trí quan trọng khi là cửa ngõ kết nối các địa phương khác của Bình Dương với TP.HCM. Hiện nay, TP. Thuận An đang là đô thị loại III. Mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030: phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II; giai đoạn 2031 - 2040: phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I.