Chiều 17/4, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã có buổi làm việc vỡi lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2011-2022, quy mô mạng lưới trường lớp các cấp học trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng đầu tư. Đến năm 2022, hệ thống trường, lớp các cấp học ngành giáo dục đào tạo tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em nhân dân.
Năm học 2021-2022, cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên có tổng số học sinh là 497.180, tăng 269.084 học sinh so với năm học 2010-2011, tăng bình quân 22.424 học sinh/năm học, trong đó cấp tiểu học có số lượng học sinh tăng bình quân/năm học cao nhất (11.677 học sinh/năm học).
Do số lượng trẻ mầm non và học sinh phổ thông tăng nhanh, nhiều thị xã, thành phố trong tỉnh đã giải quyết được chỗ học cho học sinh nhưng chưa bảo đảm được việc bố trí số học sinh/lớp theo chuẩn; đa số trường mầm non, tiểu học, THCS ở khu vực đô thị có số học sinh/lớp quá quy định.
Tính tới cuối năm học 2021-2022, tổng số giáo viên, cán bộ quản lý các cấp là gần 7000 người. Thiếu giáo viên đang là khó khăn lớn của giáo dục Bình Dương, đặc biệt là ở bậc mầm non. Nguyên nhân chủ yếu là do mạng lưới trường lớp tăng nhanh, áp lực công việc nhiều nhưng lương và chế độ hỗ trợ chưa hấp dẫn nên việc thu hút nguồn nhân lực và cũng do thiếu nguồn tuyển.
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục Đào tạo), trong số hơn 336 cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì cấp mầm non là 320 cơ sở, cấp tiểu học mới chỉ có 3 trường tư thục. Với con số tăng thêm mỗi năm bình quân khoảng trên 11.000 học sinh tiểu học, hệ thống trường công chỉ gồng gánh được thêm 1-2 năm nữa. Nếu tỉnh không có chính sách phát triển giáo dục tư thục ở cấp tiểu học thì 2-3 năm tới gánh nặng trường lớp với cấp học này sẽ rất lớn.
Cùng chung quan điểm về việc phải có chính sách phát triển hơn nữa giáo dục tư thục, ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục Đào tạo) đề nghị tỉnh Bình Dương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, trong đó tính toán quỹ đất dành cho giáo dục.
Trên cơ sở rà soát, sắp xếp và có đất, khi đó mới xây dựng đề án cơ sở vật chất. “Nếu không ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục thì khi có tiền sẽ không có đất để xây trường. Không ít địa phương đã rơi vào tình trạng này”, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất nói.
Một trong những mục tiêu phát triển của giáo dục và đào tạo đến năm 2030 của tỉnh Bình Dương là tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao tỉnh Bình Dương đã dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Song Bộ trưởng cũng mong muốn thời gian một vài năm tới tỉnh cân nhắc có sự đầu tư thực sự đột phá cho giáo dục. Bởi đây sẽ là thời điểm quan trọng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, rất cần các điều kiện về phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Đối với giáo dục đại học, Bộ trưởng chia sẻ, tỉnh sẽ tăng cường quan tâm hỗ trợ đúng cách và đúng phương pháp. Trong đó, tăng cường vai trò của Đảng bộ trong các trường đại học. Tăng cường định hướng lựa chọn ngành nghề, chương trình đào tạo phục vụ tốt nhất cho phát triển của tỉnh, của vùng. Lưu ý các trường trong việc thu hút chuyên gia đầu ngành, nhân lực chất lượng cao đến công tác tại trường, thực chất là thu hút lực lượng trí tuệ, nhân tài về làm việc cho tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ rà lại, sắp xếp quy hoạch để phát triển giáo dục, nhất là về đất đai. Định hướng sắp tới sẽ dành 1.000-1.500 ha đất để phát triển giáo dục phổ thông, đại học.