March 24, 2023 | 16:13 GMT+7

Đắk Lắk hướng tới trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo của vùng Tây Nguyên

Đỗ Như -

Với mục tiêu đưa “Đắk Lắk trở thành trung tâm về giáo dục và đào tạo của vùng Tây Nguyên”, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết: Tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chiều 23/3, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc Bộ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.

Báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những năm qua, quy mô học sinh, các loại hình trường lớp tại Đắk Lắk phát triển ổn định, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng. Đặc biệt công tác xã hội hoá giáo dục là một trong những điểm sáng của địa phương này.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.009 trường học từ mầm non đến THPT, với 15.578 lớp, nhóm lớp, gồm 484.185 học sinh, trong đó có 88 trường ngoài công lập từ mầm non đến THPT. Toàn tỉnh có 16 Trung tâm giáo dục thường xuyên; 4 trường trung cấp nghề, 8 trường cao đẳng, 2 trường đại học, 2 phân hiệu đại học, với tổng cộng 41.080 học viên, sinh viên.

Đội ngũ giáo viên hiện nay về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, có phẩm chất, năng lực tốt để thực hiện thành công đổi mới; 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đều được bồi dưỡng chương trình nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chất lượng giáo dục từ mầm non đến phổ thông từng bước được nâng lên, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn từng bước được rút ngắn. Đặc biệt, giáo dục mũi nhọn phát triển mạnh qua các năm cả về chất lượng, lẫn số lượng. Trong 5 năm qua thành tích học sinh giỏi đứng đầu khu vực 10 tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 172.007 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 36,05%, có 17 trường nội trú, 6 trường bán trú. Giáo dục dân tộc được quan tâm từ chế độ chính sách đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đã góp phần tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được học tập, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra; 100% các huyện, thị xã, thành phố giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đảm bảo trên 90% số người biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại, giữ vững 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả tích cực, giáo dục Đắk Lắk cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ trường học kiên cố hoá của tỉnh hiện nay là 70,2%, còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Tỉnh Đắk Lắk thuộc miền núi, địa bàn rộng; có nhiều dân tộc thiểu số, có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học có khoảng cách khá xa, vì vậy cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp, xóa bỏ các điểm trường, cũng như khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều giữa các vùng, miền và giữa các trường học. Giáo dục ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều ở các cấp học nhưng chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn ở các huyện, thị xã, thành phố.

Với mục tiêu đưa “Đắk Lắk trở thành trung tâm về giáo dục và đào tạo của vùng Tây Nguyên”, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết: Tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk mong muốn Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ quan tâm ưu tiên phát triển Trường Đại học Tây Nguyên. Về phía địa phương, ông Nguyễn Đình Trung cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ và Trường Đại học Tây Nguyên để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và cho vùng.

Nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục của 3 Tây: Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ sẽ sát cánh sâu sát hơn với giáo dục Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên. Bộ trưởng cũng cho biết, tinh thần của những trao đổi là để giáo dục Đắk Lắk phát triển, bởi Đắk Lắk muốn phát triển thành trung tâm của Tây Nguyên phương, diện hội tụ, lan toả giáo dục, văn hoá, khoa học sẽ mang tính quyết định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate