UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận năm 2023. Cụ thể về chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2023, tỉnh dự kiến là 24,9 m2 sàn/người (khu vực đô thị 25,7 m2 sàn/người; khu vực nông thôn 24,5 m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu 9,2 m2 sàn/người.
Tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng khoảng 1.338.819 m2. Trong đó, diện tích sàn nhà ở thương mại 164.000 m2; nhà ở tái định cư 37.040 m2; nhà ở xã hội 184.221 m2; nhà ở dân tự xây 953.558 m2…
Để thực hiện các mục tiêu, diện tích đất cần là 212,4 ha. Bao gồm: đất ở phát triển nhà ở dân tự xây 158,93 ha; đất ở phát triển nhà ở tái định cư 6,17 ha; đất ở phát triển nhà ở xã hội 25,03 ha; đất ở phát triển nhà ở thương mại 22,3 ha. Nhu cầu vốn đầu tư ước tính 7.774,49 tỷ đồng (nhà ở thương mại cần 1.886 tỷ đồng; nhà ở tái định cư 174,09 tỷ đồng; nhà ở xã hội 1.265,42 tỷ đồng; nhà ở dân tự xây 4.481,72 tỷ đồng…)
Theo UBND tỉnh, Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 phải bám sát nội dung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025 đã phê duyệt. Căn cứ tình hình, kết quả thực hiện và nhu cầu thực tế về nhà ở, khả năng cân đối từ nguồn ngân sách, nhu cầu của thị trường để phát triển nhà ở cho phù hợp từng năm và từng địa phương trong tỉnh; chỉ tiêu phát triển nhà ở trong Kế hoạch phát triển nhà ở được xác định là một chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Tỉnh giao Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả kế hoạch. Các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nội dung theo kế hoạch và quy định của pháp luật hiện hành; tập trung nguồn lực triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quỹ đất đã giao cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với dự án chậm đưa đất vào sử dụng.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, năm 2019, toàn tỉnh có 329.086 căn nhà với chủ yếu gồm nhà kiên cố và bán kiên cố, các dạng nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ ít. Đến năm 2020 thì chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ nhà ở thiếu kiên cố, nhà ở đơn sơ. Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân năm 2020 toàn tỉnh Bình Thuận ước đạt 22,68 m2/người (khu vực đô thị 23,23 m2/người; khu vực nông thôn 22,35 m2/người). Ngoài ra, những năm qua, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng nhà ở và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng với khoảng 985 hộ.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn như: công tác quản lý và chia sẻ dữ liệu phát triển nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu dự báo, định hướng thị trường; sức ép về nhu cầu nhà ở do tốc độ đô thị hóa nhanh; quá trình phát triển dự án kéo dài, một số dự án chậm tiến độ và bị thu hồi… Vì vậy thời gian tới, tỉnh sẽ phấn đấu phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn.