September 21, 2022 | 07:00 GMT+7

Bịt lỗ hổng gian lận trong hoạt động đấu thầu

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022...

Toàn cảnh phiên họp chuyên đề về luật đấu thầu
Toàn cảnh phiên họp chuyên đề về luật đấu thầu

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Sau 8 năm thực hiện, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

SỬA ĐỔI LÀ CẦN THIẾT

Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện.

"Một số quy định của Luật chưa phù hợp với thực tiễn. Quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, chưa ngăn chặn được tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu diễn biến phức tạp...", ông Dũng nói.

Vì vậy, theo ông Dũng việc sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Về nội dung, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua.

Thứ nhất, nhóm các quy định về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu.

Thứ hai, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

Thứ ba, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.

Thứ tư, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy hoạt động đấu thầu mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản xuất trong nước; tạo công ăn việc làm cho nhóm yếu thế, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ năm, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

KẾ THỪA NHỮNG QUY ĐỊNH PHÙ HỢP THỰC TIỄN

Thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật. Theo đó, việc sửa đổi Luật Đấu thầu phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về: "Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu"; nhằm góp phần quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản Nhà nước.

Mặt khác, đa số ý kiến của Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.

"Bên cạnh việc kế thừa, ổn định và tiếp tục phát huy những quy định phù hợp với thực tiễn, việc sửa đổi luật phải bảo đảm khắc phục những vấn đề tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện. Giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh, công bằng. Bổ sung các quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ, giảm thiểu các hành vi gian lận trong đấu thầu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói.

Đồng thời, ông Cường cũng cho rằng cần bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất, đồng bộ với các luật khác, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.

Liên quan đến đối tượng và phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng "phải đấu thầu" thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; đối với những hoạt động đấu thầu đã được quy định trong luật chuyên ngành khác thì quy định nguyên tắc thực hiện theo luật chuyên ngành.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát, làm rõ khái niệm "vốn nhà nước" để đảm bảo thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Đối tác công tư… Mối quan hệ với việc đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế; phạm vi điều chỉnh đối với dự toán mua sắm sử dụng vốn Nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate