Thị trường vượt qua vòng T+ khá tốt hôm nay và áp lực bán tương đối nhỏ. Dù chỉ số đang thể hiện sự yếu ớt nhưng thị trường lại phân hóa tốt và ở cổ phiếu, mức giảm giá không lớn. Điều này đẩy lượng vốn đã rút ra những phiên trước vào trạng thái bâng khuâng.
Thường thì sau khi chốt lời, nhà đầu tư sẽ mong chờ giá giảm nhiều để mua lại. Do đó nếu giá lình xình hoặc vừa rồi nhiều mã còn không giảm (so với mức giá hôm 15-16/11), bên cầm tiền sẽ tiếp tục chờ đợi. Điều này phản ánh lên mức thanh khoản thấp hôm nay.
Hiện thị trường vẫn có những quan điểm trái ngược nhau. Chẳng hạn bi quan nhất là mong đợi một sóng giảm nữa, chẳng hạn về sát mức đáy cuối tháng 10 hoặc sâu hơn. Quan điểm tích cực hơn thì thị trường đã có đáy và nhịp điều chỉnh này chỉ giới hạn biên độ tương đương tỷ lệ nào đó với nhịp tăng vừa rồi (ví dụ theo tỷ lệ Fibonacci mà phiên hôm qua sâu nhất tương đương 50%). Dĩ nhiên quan điểm tiêu cực đã chốt hết thì sẽ cầm tiền chờ các mức sâu. Quan điểm tích cực sẽ mua lại hoặc giữ chặt cổ vì nếu thị trường vào sóng tăng dài thì “lướt lát” lắm nhiều khi mất hàng.
Mỗi quan điểm đều có căn cứ riêng và điều quan trọng không phải quyết bên nào đúng hay sai, mà là quan sát cung cầu để chọn bên mạnh hơn. Với những rủi ro vĩ mô đang giảm đi thì suy cho cùng, cầm tiền mặt cũng là để chọn thời điểm nào đó mua lại. Vì vậy nếu thị trường có những tín hiệu tích cực, dòng tiền đã rút ra sẽ quay trở lại. Mặt khác, hiện thị trường đang có sự khác biệt nhiều giữa cổ phiếu và chỉ số. Dù chỉ số đã đạt đỉnh ngắn hạn và điều chỉnh, nhưng cổ phiếu lại có sức mạnh khác nhau. Chỉ cần thống kê nhanh cũng thấy trong 5 phiên gần nhất, biên độ giảm giá ở nhiều mã là nhỏ, thậm chí nhiều mã đi ngược, phổ biến là hình thành một vùng dao động hẹp. Các chỉ số đang bị tác động từ nhóm blue-chips, nhất là các trụ suy yếu.
Điều nên làm lúc này là quan sát giao dịch ở cổ phiếu mà mình quan tâm, đánh giá cung cầu, đặc biệt khi thị trường giảm, để xem quan điểm của các bên như thế nào. Khả năng cao là thị trường đang kiểm định vùng giá cân bằng hơn là lo ngại phá đáy. Dòng tiền vẫn còn nhỏ, bức tranh lớn chưa có cú hích nào mới nên khả năng bùng nổ là thấp. Tuy nhiên nguy cơ giảm sâu phải đến từ một sức ép mạnh mẽ đáng kể - điều có thể nhìn thấy trong giao dịch hàng ngày. Chừng nào thị trường vẫn lình xình, thanh khoản thấp, lúc giá giảm bán ít thì không đáng lo. Vị thế đầu cơ có thể tạm nghỉ, nhưng dài hạn cứ túc tắc mà nhặt lại hàng lúc giá giảm.
Thị trường phái sinh hôm nay khó giao dịch, VN30 đánh võng quanh 1108.xx. Khả năng phiên T+ với lượng hàng lớn về tạo xác suất giảm cao hơn nên lúc VN30 xuống dưới 1108.xx có thể Short được, nhưng quán tính rất chậm và thanh khoản trên cơ sở cũng nhỏ. Đầu giờ chiều sự lo lắng có vẻ rõ hơn nhưng VN30 cũng không giảm thêm tới 1100.xx được mà thanh khoảng VN30 rất bé. Hàng về đã không xả ra, thị trường phái sinh nhìn thấy tín hiệu đó và đảo ngược basis rất nhanh tầm 1h30. Nói chung biên độ cho Short trong tình huống đó khó mà rộng được.
Với áp lực bán yếu hơn dự kiến trên thị trường cơ sở, kịch bản khả dĩ là thị trường sẽ dao động hẹp trên nền thanh khoản thấp. Trừ phi có tác động trụ, còn không phái sinh khó giao dịch. Chiến lược vẫn là Long/Short linh hoạt theo trụ.
VN30 chốt hôm nay tại 1108.6, ngay tại một mốc. Cản kế tiếp ngày mai là 1115; 1118; 1126; 1131; 1138. Hỗ trợ 1100; 1095; 1089; 1079; 1075.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.