Thị trường cơ sở hôm nay cơ bản vẫn chán như hôm qua. Kể cả nhịp đẩy cuối ngày tạo một chút hứng thú nhưng chủ yếu là với phái sinh, còn cơ sở thì không có thay đổi gì lớn. Tuy nhiên “rình” một nhịp như vậy cũng không dễ, F1 thì đảo basis dương, F2 thì âm nhưng lại bị kiềm chế về biên độ.
Giao dịch cơ sở “buồn ngủ” với mức thanh khoản cực thấp buổi sáng. Phiên chiều có khá hơn, nhưng chủ yếu là nhờ biến động ở nhịp tăng cuối. Nếu hôm nay không phải ngày đáo hạn thì tăng như vậy là tốt, nhưng hoàn toàn đây có thể là một giao dịch mang tính cơ hội và sẽ sớm được cân bằng lại.
Điểm tích cực hôm nay là cổ phiếu có chiều hướng tốt hơn và mạnh hơn so với chỉ số. Dù nhịp tăng intraday ở chỉ số khá ngắn và không đem lại kết quả gì khi nhìn theo số liệu cuối ngày, nhưng “dư âm” tăng giá thì vẫn còn ở nhiều cổ phiếu. Vì thế giá cổ phiếu vẫn ghi nhận chuyển động có hiệu lực, trong khi nhìn qua chỉ số thì thị trường vẫn lom dom như cũ.
Kiểu giao dịch như vậy tiếp tục xác nhận rằng nhịp tăng hiện tại có ăn hay không hơn nhau ở chỗ chọn được cổ. Chỉ số có thể không phát tín hiệu rõ ràng, nhưng cổ phiếu nhiều mã tăng khá. Lợi nhuận 10-15% cũng là quá đẹp trong điều kiện thị trường “hết tiền” như lúc này.
Vẫn giữ quan điểm giờ là lúc dừng mua và chờ đợi, quan sát từng cổ phiếu trong danh mục tiến triển như thế nào. Các mã tăng tốt đạt biên độ như kỳ vọng, thậm chí tăng khá gấp gáp thì nên chốt lời, dù giá có lên nữa thì coi như “lộc” của người khác. Nhịp tăng này không phải là lúc để tham. Các cổ phiếu vẫn yếu có thể tăng trễ hơn ở vòng sau khi dòng tiền luân chuyển, nhưng cũng có thể không bao giờ tăng như kỳ vọng thì cũng cân nhắc cắt giảm theo stoploss rõ ràng.
Nói chung thời gian của nhịp tăng này không “dông dài” như trước do tiền quá ít. Dòng tiền có thể đánh nhanh, luân chuyển nhanh rồi rút. Do vậy đã lỗ thì nên cắt, sai thì chấp nhận, tuyệt đối không để vị thế đang lãi thành lỗ. Bỏ qua chỉ số, quan tâm tới các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự của giá cổ phiếu cụ thể, nhất là nên chú ý cách thức cung cầu xuất hiện ở cổ phiếu trong các phiên biến động đủ rộng phản ánh lên chỉ số.
Phái sinh hôm nay đáo hạn F1 nhưng tín hiệu khá lạ. Ngay khi vào phiên F1 đã đảo basis sang dương, duy trì càng lúc càng rộng. Khi VN30 dập dình quanh 1044.xx nửa đầu phiên chiều, basis rộng nhất. Basis như vậy hàm ý rằng sự tự tin của bên Long và triển vọng cao là cơ sở sẽ có biến động tăng, nhất là khi thanh khoản cực kỳ nhỏ.
Vấn đề là chọn Long ở kỳ hạn nào. F1 hôm nay đáo hạn, basis chênh lệch 5-6 điểm là quá rủi ro, dù VN30 có được kéo lên thì chưa chắc F1 đã tăng đủ nhiều. F2 có chiết khấu tới trên 10 điểm rõ ràng là rủi ro thấp hơn trong kịch bản VN30 tăng hạn chế và lợi hơn trong kịch bản VN30 tăng mạnh. Khi VN30 dừng ở 1044.xx lúc 1h45 thì F2 dừng ở 1034.xx cũng là 1 mốc hỗ trợ. Vì vậy chọn Long F2. Tuy nhiên thị trường lại ngoài dự kiến: F1 tăng tốt hơn dù liên tục co basis, F2 tăng quá yếu so với biên độ VN30 và lại mở rộng chiết khấu. VN30 dội từ 1044.xx lên 1059.xx rất đẹp nhưng F2 tại đỉnh của VN30 quanh 1059 lại chiết khấu tới 18 điểm.
Nhịp tăng cuối phiên hôm nay có quy mô giao dịch khá cao, nghĩa là cũng tốn kém. Bình thường lực kéo như vậy sẽ tạo ấn tượng tốt, hình thành kiểu dao động giá tích cực. Tuy nhiên do trùng với ngày đáo hạn nên cũng không chắc đây là lực cầu mua thật sự, hay chỉ là một nhịp trading cơ hội, nghĩa là sẽ lại được bán ra để cân bằng ngay. Tóm lại là lúc này nên hạn chế giao dịch cơ sở, có điều kiện thì lướt nhanh và không nâng tỷ trọng nữa. Phái sinh Long/Short linh hoạt với stoploss chặt.
VN30 chốt hôm nay tại 1053.26 ngay tại một mốc. Cản gần nhất ngày mai là 1059; 1066; 1073; 1080; 1091; 1095. Hỗ trợ 1047; 1044; 1038; 1035; 1027.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.