Thị trường bước sang phiên thứ ba giằng co trong vùng đỉnh cũng và đến hôm nay áp lực bán hạ giá đã nhiều hơn hẳn. Cổ phiếu đỏ nhiều hơn, biên độ giảm rõ hơn kết hợp với thanh khoản tăng.
Trong hai phiên trước, thanh khoản tương đối thấp, biên độ giá giảm hẹp, thậm chí vẫn có nhịp hồi intraday. Hôm nay các nhịp giảm intraday đã có thanh khoản vượt trội và giảm cả ngày. Đây là biểu hiện của sức ép từ bên bán khống chế được dao động.
Dĩ nhiên thị trường vẫn có những mã mạnh đi ngược dòng. Tuy nhiên khi tỷ lệ này thấp và tập trung vào nhóm nhỏ, xác suất nhà đầu tư hưởng lợi cũng sẽ thấp. Nhóm này càng nhỏ càng cho thấy dòng tiền không lan tỏa như trước mà dồn vào “đánh sóng” một số cổ phiếu cụ thể. Đó không phải là một biểu hiện tích cực về độ phân hóa.
Trong tình huống như vậy danh mục nên được co gọn lại. Hiện thị trường mới chỉ dập dình suy yếu, chưa có biểu hiện cụ thể về rủi ro tạo đỉnh ngắn hạn, nhưng rõ ràng là sức mạnh không còn như trước. Sự thay đổi về giá hay đồ thị luôn thể hiện muộn hơn. Điều thay đổi sớm nhất là tâm lý chấp nhận rủi ro. Càng ngại rủi ro thì mua càng ít, mua chọn giá và cuối cùng là bán bớt cổ phiếu đang có. Chỉ khi sự thay đổi tâm lý này kéo dài qua nhiều phiên, lan rộng hơn thì dần dần mới phản ánh qua các dữ liệu cơ sở như dao động giá và thanh khoản, cuối cùng mới tới các chỉ báo kỹ thuật.
Thanh khoản hôm nay tăng trên hai sàn, đạt khoảng 17,6k tỷ chưa kể thỏa thuận. Mức này cũng chỉ là nhỉnh hơn hai phiên cuối tuần trước một chút (15,3k tỷ/phiên). So với mức thanh khoản tích lũy ở chiều tăng tuần trước thì chưa ăn thua. Do đó khả năng cao đây mới chỉ là các đợt tái cơ cấu danh mục hoặc giảm bớt tỷ trọng, chưa phải là hoạt động “tháo hàng”. Kịch bản thị trường đi ngang tạo nền để tăng tiếp vẫn có, chừng nào biên độ dao động giảm không gia tăng và thanh khoản vẫn duy trì mức thấp.
Kịch bản tệ hơn là thị trường cần một nhịp lùi rõ ràng hơn để ép hết lượng cổ phiếu ngắn hạn xuất hiện. Hiện không có thông tin bất lợi nào có thể thay đổi xu hướng dài hạn, nhưng cung cầu là yếu tố hoàn toàn có thể khống chế giao dịch trong ngắn hạn 1-2 tuần. Các trụ dù tăng bao nhiêu trong 3 tuần qua thì cũng vẫn chỉ là phục hồi đơn thuần. Dòng tiền không có câu chuyện mới để kích thích hơn. Ngay cả khi VNI vượt 1300 thì cũng rất ít cổ phiếu có đỉnh cao mới.
Hiện biên lợi nhuận ở cổ phiếu trong nhịp tăng này đã khá tốt, nên quan tâm tới việc giảm tỷ trọng, có thể là cân bằng 50/50. Margin càng nên giải phóng sớm. Kịch bản tốt nếu thị trường tiếp tục tăng, các cổ phiếu còn lại sẽ lên đến vùng kháng cự cao hơn. Kịch bản xấu thì sẵn dòng tiền mặt để xây dựng lại danh mục cũ.
Thị trường phái sinh hôm nay có basis chiết khấu quá rộng nên rất khó chơi. VN30 có ngưỡng cản 1325.xx và phần lớn thời gian chỉ số va chạm với mức này nhưng F1 hầu như không tăng. Phía trên 1325.xx là vùng mở biên độ rộng lên tới 1331.xx, khi không có trụ dẫn thì rất khó để tới được. Tình huống này khiến Long không được mà Short cũng không xong. Cơ hội duy nhất ít rủi ro cho Short là đầu phiên chiều, basis co lại còn dưới -2 điểm khi VN30 “test” không thành công 1325.xx.
Với áp lực bán giá đỏ tăng lên hôm nay và lợi nhuận T+ đã mỏng đi rất nhiều, khả năng cao bên bán sẽ tiếp tục ra hàng trong những ngày tới. Nếu biên độ khởi động hẹp thì sẽ có những đợt mở biên do tác động trụ. Tuy nhiên nếu giảm mạnh ngay thì không nên Short đuổi. Chiến lược là Long/Short linh hoạt, ưu tiên Short.
VN30 đóng cửa hôm nay tại 1318.6. Cản gần nhất ngày mai là 1319; 1324; 1331; 1337; 1344; 1350. Hỗ trợ 1311; 1307; 1299; 1290; 1284; 1278; 1270.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.