July 10, 2023 | 17:13 GMT+7

Bộ Công an khuyến cáo về 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam

Như Nguyệt -

Liên tiếp trong những ngày qua, Công an TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của các nạn nhân về việc nhận được điện thoại tự xưng là cán bộ công an, yêu cầu chuyển tiền để điều tra hoặc mạo danh Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao để giúp lấy lại tiền bị mất…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đơn cử như việc Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là gần 200 triệu đồng.

TÁI DIỄN NHIỀU VỤ MẠO DANH LỪA ĐẢO

Theo đó, vào ngày 4/7/2023, Công an phường Thạch Bàn tiếp nhận đơn trình báo của bà P (SN 1951, ở quận Long Biên, Hà Nội) về việc bà P. có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà P. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu bà phải chuyển tiền để phục vụ điều tra. Do lo sợ nên bà P .đã chuyển gần 200 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó bà phát hiện bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.

Ngoài ra, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội nhận được trình báo của chị H. bị lừa đảo. Chị H. cho biết trước đó chị có làm cộng tác viên online trên mạng để hưởng hoa hồng nhưng bị lừa 100 triệu đồng. Sau đó, chị có liên hệ với một tài khoản facebook giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để giúp lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng.

Chị H. được hướng dẫn thu hồi tiền bằng cách truy cập vào đường link của một trang web chơi cờ bạc online và an ninh mạng sẽ hack vào 2 khung giờ, đảm bảo đóng tiền đặt lệnh sẽ thu được lãi. Sau một vài lần thực hiện thành công, các đối tượng thông báo chị phải nạp thêm nhiều tiền hơn. Thấy chị H đã mắc bẫy và chuyển 300 triệu đồng, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. 

Mới đây nhất, chủ nhân tài khoản Facebook Đ.H.V. đăng tải nội dung “Em mới bị chị công an online này hỏi thăm với lý do có đăng ký 1 sdt 096… tại Đà Nẵng, sau đó lên Facebook kêu gọi từ thiện. Được số tiền là 58,9 triệu đồng nhưng không mang số tiền đó làm đúng mục đích từ thiện. Vì vậy, chị công an đã gọi điện để hỗ trợ online, chuyển cuộc gọi của em đi gặp tòa án để báo án.

Yêu cầu em gọi video từ Zalo, khi nghe cuộc gọi thì nhớ nhìn thẳng, nghiêng trái nghiêng phải. Em nghe công an xong em sợ quá nói gì em cũng gật...”.

Từ vụ việc nêu trên, Công an TP Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng khuyến cáo, kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh - KYC. Sau khi tài khoản ngân hàng được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo, nạn nhân sẽ không chứng minh được sự vô can của mình.

Không chỉ vậy, trong các cuộc gọi có hình, các đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an với bảng tên, phù hiệu, ảnh Bác Hồ, bằng khen; lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như công an thật.

Lực lượng công an đã nhiều lần khuyến cáo, cơ quan công an không làm việc online, không mời, triệu tập, làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở.

NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU?

Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ Công an cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng, gồm:

- Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”.
- Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
- Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
- Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
- Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
- Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
- Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
- Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…
- Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…)
- Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
- Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
- Lừa đảo tuyển CTV online.
- Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.
- Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
- Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
- Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
- Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
- Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
- Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
- Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
- Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
- Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…
- Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
- Lừa đảo cho số đánh đề.

Theo Bộ Công an,m ột trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội số một cách bền vững; là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate