Trong tiến trình gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các dòng sản phẩm, doanh nghiệp Việt ngày càng thể hiện được năng lực, chuyên môn và đổi mới, sáng tạo. Qua các hoạt động hợp tác đào tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhiều công ty trong nước đã trở thành bạn hàng tin cậy của các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Đơn cử trong ngành CNHT ô tô, trong nhiều năm qua, Toyota Việt Nam là đơn vị đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động hợp tác, đào tạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng nội tại của doanh nghiệp trong nước. Đến nay, Toyota đã có 60 nhà cung cấp, bao gồm 56 nhà cung cấp linh kiện và 4 nhà cung cấp vật liệu trực tiếp, trong đó có các nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam như: THACO, Việt Nam Parkerizing, Hutchinson Việt Nam, Cao Su Giải Phóng... Tổng số sản phẩm nội địa hóa của TMV đã đạt trên 1.000 sản phẩm các loại.
Mới đây, ngày 17/10, Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp - (IDC) chủ trì, phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2024.
Triển lãm VIMEXPO là Chương trình thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, là sự kiện cụ thể hóa Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo giới thiệu sản phẩm, trao đổi công nghệ, tìm kiếm đối tác, liên doanh liên kết, thu hút đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng trên 210 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Những sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất được bạn hàng quốc tế đánh giá cao, tập trung ở nhóm sản phẩm nhựa, cao su, sản phẩm gia công, ghế ngồi, ắc-quy... Mặc dù vậy, tốc độ phát triển còn khá chậm so với tiềm năng cũng như yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, điểmnhiều doanh nghiệp CNHT trong ngành ô tô là còn thiếu những dòng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và khả năng sản xuất đơn hàng quy mô lớn còn hạn chế.
Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thống kê 9 tháng năm 2024 tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Số liệu này cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang trong xu hướng phục hồi so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước do sản xuất ngành công nghiệp nói chung phục hồi chưa toàn diện, nội lực của các ngành sản xuất trong nước còn yếu và chịu ảnh hưởng bởi khu vực FDI. Do đó, việc cần làm hiện nay là tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tăng cường các hoạt động giao thương, hợp tác, kết nối với những doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Trước đó, VIMEXPO 2023 đã đón tiếp 9.850 lượt khách hàng bao gồm hơn 200 đoàn khách tham quan và hơn 500 lượt kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp được hoàn thành. Ban tổ chức đã sắp xếp 265 gian hàng trưng bày từ 209 doanh nghiệp đăng kí tham dự.
VIMEXPO 2024 được tổ chức từ ngày 17-19/10/2024, quy mô 5.000 m2, 200 gian hàng trưng bày với sự tham dự của 183 doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp ô tô như: THACO, TOYOTA VIỆT NAM, TCT VEAM... cùng các công ty đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Sự kiện năm nay được kỳ vọng thu hút khoảng 15.000 lượt khách tham quan và hợp tác.
Tại Lễ Khai mạc, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục Trưởng Cục Công Nghiệp – Bộ Công Thương nhận định: “Triển lãm VIMEXPO 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Bộ Công Thương trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam góp phần hiện thực hóa các chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước".
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ Chức VIMEXPO 2024 sẽ phối hợp với các cơ quản quản lý nhà nước, hiệp hội chuyên ngành tổ chức các hoạt động bên lề thiết yếu đối với các doanh nghiệp hoạt động kết nối doanh nghiệp “Kết nối giao thương - Business Matching” với sự tham dự của các Buyer hàng đầu tại Việt Nam như Toyota, Bosch, Samsung, Hyundai, Denso, TMT Motor, Canon, Hanel,.. cùng nhiều hoạt động trình diễn công nghệ, sự kiện hữu ích khác do các doanh nghiệp tham dự trong nước và quốc tế.