Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế chiều ngày 11/11 làm “nóng” nghị trường trước các vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, quản lý ngành dược và mỹ phẩm, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, kinh doanh quảng cáo sai quy định các mặt hàng sản phẩm thực phẩm chức năng, dược phẩm…
"NÓI KHÔNG" VỚI WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ KINH DOANH THUỐC LÁ THẾ HỆ MỚI
"Chia lửa" với tư lệnh ngành Y tế về vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện, được quy định rất rõ trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, trong Nghị định 67 năm 2013 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được định nghĩa trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản pháp luật có liên quan. Do vậy, có thể nói trong một thời gian dài vừa qua, tồn tại khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình sản phẩm này.
Ông Diên thông tin: từ năm 2019-2020, do thiếu công cụ quản lý trong khi thuốc lá thế hệ mới đã và đang len lỏi, phát triển khá mạnh ở thị trường của Việt Nam nên Bộ Công Thương lúc đó đã đề xuất, được Chính phủ khóa trước cho phép xây dựng Đề án thí điểm để quản lý loại hình thuốc lá này.
Khi lấy ý kiến, nhiều Bộ ngành đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Chính phủ nhưng cũng có những Bộ, ngành phản đối, đặc biệt là Bộ Y tế cho rằng nó là một sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Vì thế từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Y tế và thống nhất là sản phẩm này có hại với sức khỏe thì phải cấm, và Bộ đã kiên trì đề xuất sớm ban hành khuôn khổ pháp lý để cấm sản phẩm này.
“Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh và cấp đăng ký thông báo cho website thương mại điện tử kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và đã xử lý hàng trăm vụ việc đối với loại hình kinh doanh sản phẩm này”, Bộ trưởng cho hay.
Để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới, Bộ Công Thương thống nhất đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm cho ban hành chính sách quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với loại sản phẩm này để khắc phục khoảng trống pháp lý; có thể là sửa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hay ban hành một luật mới. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành cùng vào cuộc để xử lý vấn đề triệt để theo kiến nghị của đại biểu.
Trong khi chưa có luật hoặc chưa sửa đổi được Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng nhất là Ban chỉ đạo 389, Hải quan, Biên phòng, Công an, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cần lưu ý: các vi phạm đối với thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới hiện nay chủ yếu là do nhập lậu, vì vậy, các lực lượng chức năng cần phải ngăn chặn tốt ngay từ cửa khẩu, biên giới thì mới hạn chế được...
Đồng thời, phải huy động sự tham gia và vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội như: Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư trong tuyên truyền giáo dục về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử thế hệ mới nói riêng.
SIẾT QUẢN LÝ CHẶT DƯỢC, MỸ PHẨM, KINH DOANH TRÊN MÔI TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Liên quan đến quản lý ngành dược và mỹ phẩm, theo Khoản 2, Điều 10 Luật Dược năm 2016 được sửa đổi bổ sung năm 2018 và Luật Hóa chất, Bộ Công Thương được giao trách nhiệm liên quan đến công nghiệp hóa dược ở khâu sản xuất nguyên liệu làm thuốc và phối hợp với các bộ, ngành trong quản lý thương mại điện tử.
Ông Diên cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương trong quản lý dược, mỹ phẩm, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Theo đó, Bộ đã chỉ đạo Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng vận chuyển mua bán hàng hóa dược phẩm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…
Cùng với đó giám sát, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, tăng giá hàng hóa bất hợp lý; tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá.
Đáng chú ý, Bộ cũng tập trung thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 theo Đề án của Chính phủ. Kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các loại hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử.
Đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh, quảng cáo sai quy định các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm và các loại hàng hóa dịch vụ khác trên môi trường thương mại điện tử, thời gian qua Bộ Công Thương đã yêu cầu các chủ sàn thương mại điện tử chịu trách nhiệm khi các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn.
Cùng với việc chủ động phát hiện hoặc nhận được thông tin của Bộ Y tế về các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ các thông tin vi phạm trên mạng.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, xử phạt hàng hóa vi phạm về nguồn gốc, chất lượng trong đó có sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm.
Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo hướng dẫn phân biệt hàng giả cho các cơ sở kinh doanh trên các địa bàn nổi cộm; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân, hạn chế sai phạm.
Cùng với đó, chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, xác minh hóa đơn chứng từ, rà soát, kiểm tra xử lý các tụ điểm, kho bãi tập kết hàng hóa nhập lậu, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh dược liệu, các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ở các địa bàn trọng điểm trên cả nước.
Tổ chức kiểm tra khâu vận chuyển, lưu thông, phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra các bưu cục, điểm dịch vụ chuyển phát nhanh, kịp thời phát hiện các vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng nhấn mạnh việc giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử sử dụng mạng xã hội để kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.
Tăng cường triển khai Quy chế phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường với các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương để làm tốt công tác quản lý kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động buôn lậu, kinh doanh dược liệu và xử cơ sở lý dữ liệu dùng chung trong đấu tranh với những vi phạm.
Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho phép nghiên cứu đề xuất ban hành Luật Thương mại điện tử để có công cụ quản lý đủ mạnh và đồng bộ. Vì thời gian qua chủ yếu là quản lý theo Nghị định 52 và Nghị định 85 thì chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa đủ mạnh và đồng bộ.
Bộ cũng đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Dược tại kỳ họp này và thông qua Luật Hóa chất trong đầu kỳ họp tới hoặc kỳ họp gần nhất để có cơ sở quản lý tốt hơn trong kinh doanh dược mỹ phẩm cũng như thương mại điện tử.