Sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm thép không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hoặc không phù hợp với xuất xứ hàng hoá được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đây là một nội dung đáng chú ý trong dự thảo lần hai quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, vừa được Bộ Công Thương công bố để lấy ý kiến đóng góp.
Cũng theo dự thảo, Bộ Công Thương sẽ tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép, phù hợp với quy định thương mại quốc tế, để đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, dự thảo được xây dựng dựa trên sự phát triển bền vững tận dụng các lợi thế cạnh tranh và đảm bảo thân thiện với môi trường.
Số liệu từ dự thảo cho biết. đến năm 2020 tiêu thụ thép trong nước có thể lên tới 27 triệu tấn, năm 2030 tăng lên 46 triệu tấn.
Về công nghệ, trong dự thảo Bộ Công Thương đưa ra yêu cầu các dự án thép sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Hiện tại, các dự án sản xuất gang và phôi thép đang hoạt động trên cả nước có tổng công suất khoảng 24,8 triệu tấn. Bộ Công Thương dự kiến bổ sung các dự án trong giai đoạn 2016 - 2020 để nâng công suất lên 40 triệu tấn/năm.
Theo đó, các dự án được bổ sung là liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận, liên hợp gang thép Nghi Sơn, liên hợp thép Quảng Ngãi,...
Cụ thể, theo quy hoạch, liên hợp Cà Ná - Ninh Thuận sẽ là dự án thép lớn nhất Việt Nam, triển khai thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 4,5 triệu tấn, dự kiến đến năm 2031 dự án hoàn thành và mở rộng công suất thêm 7 triệu tấn. Chủ đầu tư là tập đoàn Hoa Sen, tổng số vốn lên tới 10 tỷ USD.
Về vốn đầu tư, Bộ Công Thương khuyến nghị huy động vốn của các thành phần kinh tế thông qua việc thành lập các công ty cổ phần trong nước, tiến tới phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước.
Đối với các dự án đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài, dự thảo nhấn mạnh việc cần lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào công đoạn thượng nguồn, sản xuất thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao, thép hình lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.
Ngoài ra, theo dự thảo, Bộ Công Thương cũng dự kiến loại bỏ 12 dự án thép: nhà máy phôi thép Lào Cai, nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh, khu liên hợp gang thép Khoáng sản Việt, nhà máy luyện thép Hà Giang, nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La, dự án của Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam...
Tổng công suất thiết kế dự kiến của 12 dự án trên là 1.350 tấn gang, sắt xốp và 6.520 tấn phôi vuông/năm. Nguyên nhân của việc dừng các dự án trên do có những một số dự án có quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo. Có những dự án triển khai chậm, năng lực chủ đầu tư kém, không thuộc phạm vi quy hoạch. Đặc biệt, có những dự án do địa phương đề nghị bỏ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate