Trước thông tin nhiều cây xăng đã bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng, Bộ Công Thương vừa có công văn yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng cường kiểm tra, giám sát chất xăng dầu trong hệ thống của mình.
Văn bản số 116/BCT-TTTN của cơ quan này nêu rõ, để đảm bảo phòng chống, ngăn ngừa xăng dầu có chất lượng không bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định bán ra thị trường, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là tính mạng và tài sản của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối do mình quản lý.
Doanh nghiệp đầu mối chỉ được phép lưu thông xăng dầu trên thị trường Việt Nam có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các quy định hiện hành về quản lý chất lượng xăng dầu trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý; phải bảo đảm độ chính xác của dụng cụ đo lường xăng dầu bán cho các đối tượng sử dụng; bán đủ số lượng, đúng chất lượng.
Trao đổi với VnEconomy, chiều 12/1, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Tp.HCM (Saigon Petro) cho hay: doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu, đó là quy định về mặt pháp luật.
Vì vậy, ngay khi chưa có văn của của Bộ Công Thương, về mặt quản lý, doanh nghiệp vẫn luôn phải thực hiện công tác kiểm tra để đảm bảo chất lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra của các lực lượng chức năng, nếu mẫu giao hàng của đơn vị đầu mối vẫn đảm bảo chất lượng, còn sai phạm do phía đại lý thì đại lý vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội thì cho rằng, ngoài quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối, cần phải có các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các đại lý như tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về chất lượng xăng dầu....
Bên cạnh đó, cũng cần tăng thêm quyền cho doanh nghiệp đầu mối khi phát hiện các vi phạm trong hệ thống, vì theo ông Dung hiện nay đơn vị đầu mối mới chỉ có duy nhất quyền đó là cắt hợp đồng đối với đại lý vi phạm, chứ không được xử phạt vi phạm hành chính hay tước giấy phép của các đơn vị này.
Không chỉ có vậy, theo thông tin từ doanh nghiệp xăng dầu, điều hiện nay làm đau đầu các doanh nghiệp đầu mối còn là thực trạng đại lý xăng dầu kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp này, nhưng lại treo biển của đơn vị khác.
Ngoài ra, còn có hiện tượng đại lý nhập dầu của doanh nghiệp đầu mối, sau đó bán lại với giá thấp hơn cho đại lý khác, nhưng không giao hóa đơn. Tiếp đến, họ dùng chính hóa đơn mua hàng này bán cho các công ty vận tải hoặc máy công nghiệp để những doanh nghiệp này hoạch toán vào các chi phí, nhằm giảm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Điều này đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Gần đây, trước tình trạng hàng loạt vụ cháy nổ các phương tiện giao thông diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã kiểm nghiệm mẫu xăng của hàng loạt xe bị cháy và 3.000 mẫu xăng, dầu trên toàn quốc nhằm tiến hành điều tra trên diện rộng về chất lượng nhiên liệu này.
Hiện đã có 6 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gian lận về chất lượng mà các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua trên địa bàn Tp.HCM bị UBND thành phố này xử phạt, với hình phạt cao nhất là rút giấy phép kinh doanh.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate