Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 10353/BGTVT-KHĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vụ, cục thuộc Bộ để hướng dẫn rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc theo Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Đến nay, theo Bộ Giao thông vận tải, cả nước có khoảng 1.822km đường bộ cao tốc và đang tiếp tục tích cực triển khai xây dựng các dự án khác bảo đảm đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 3.000km và đến năm 2030 có khoảng 5.000km.
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, việc đầu tư, hoàn thiện các tuyến kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương là rất cần thiết.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 5712/BGTVT-KCHT ngày 08/6/2022 gửi các địa phương để triển khai rà soát kết nối đường địa phương với các tuyến đường bộ cao tốc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 về việc rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, rà soát quy hoạch tỉnh/thành phố đã và đang được triển khai về định hướng phát triển các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế... để tổng hợp, thống kê nhu cầu kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc trên địa bàn, bao gồm các tuyến đường bộ đang khai thác, đang đầu tư và theo quy hoạch.
“Lưu ý khi quy hoạch xây dựng đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả cao nhất có thể”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương nghiên cứu ưu tiên bố trí vốn và chủ động các nguồn lực để đầu tư các tuyến kết nối thuộc thẩm quyền đầu tư của địa phương; các nút giao khác mức, tuyến kết nối thuộc nhiệm vụ, dự án đã được phân cấp đầu tư; các nút giao khác mức với đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 25/2023/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, việc kết nối đường bộ cao tốc phải tuân thủ quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 25/2023/NĐ-CP ngày 19/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.
Các vị trí kết nối là nút giao khác mức liên thông với đường bộ cao tốc phải bảo đảm khoảng cách theo quy định tại Mục 8.4 TCVN 5729:2012 (Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế).
Đồng thời, “rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất đầu tư các tuyến kết nối hoặc bổ sung/hoàn thiện nút giao khác mức liên thông. Các đề xuất đầu tư phải phù hợp với hiện trạng, quy hoạch của tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông, tiến trình đầu tư công trình, dự án có liên quan đề bảo đảm kết nối hiệu quả, đồng bộ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư”, Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Đối với các tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông cần đầu tư ngay, Bộ Giao thông vận tải đề nghị thuyết minh làm rõ sự cần thiết đầu tư trong việc kết nối đường bộ cao tốc với các đô thị khu chức năng quan trọng của địa phương.
Trường hợp khoảng cách với nút giao liền kề từ 5km đến 10km, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương thuyết minh chi tiết sự cần thiết bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo quy định Mục 8.4.2 TCVN 5729:2012.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị làm rõ phạm vi, quy mô đầu tư về số làn xe, đầu tư phân kỳ hay hoàn chỉnh; sơ bộ tổng mức đầu tư.
Đối với tuyến kết nối/nút giao khác mức thuộc thẩm quyền đầu tư của trung ương, Bộ Giao thông vận tải đề nghị bổ sung thống kê để rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Về tiến trình đầu tư, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thuyết minh bảo đảm phù hợp tiến trình đầu tư, thời điểm hình thành các đô thị, khu chức năng, các khu vực phát sinh nhu cầu vận tải; tiến trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc.
Văn bản rà soát bao gồm phần thuyết minh đề xuất các tuyển kết nối/nút giao khác mức liên thông cần đầu tư ngay và phụ lục thống kê nhu cầu kết nối theo biểu mẫu gửi kèm.
Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng. Cục Đường cao tốc Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông rà soát, đánh giá sự phù hợp các kiến nghị của địa phương theo các quy định pháp hiện hành liên quan đến việc kết nối đường bộ cao tốc như: về khoảng cách giữa các nút giao, phạm vi, quy mô đầu tư nút giao/tuyển kết nối... Còn Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Công điện số 769/CĐ-TTg.