September 10, 2023 | 14:06 GMT+7

9 dấu ấn nổi bật trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các đại dự án giao thông

Ánh Tuyết -

Sau 1 năm dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Nhà nước, tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm có sự thay đổi rõ rệt, nhiều vướng mắc được tháo gỡ. Đáng kể là tỷ lệ giải ngân các công trình đạt trên 50% cao hơn trung bình, dự án sân bay Long Thành có nhiều tiến bộ...

Các nhà thầu trong thời gian qua, “vượt nắng, thắng mưa”, thi công hoàn thành đúng tiến độ.
Các nhà thầu trong thời gian qua, “vượt nắng, thắng mưa”, thi công hoàn thành đúng tiến độ.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 386/TB - VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Đây là phiên họp đánh dấu 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

TIẾN ĐỘ CẢI THIỆN RÕ RỆT, 9 ĐIỂM SÁNG NỔI BẬT

Trong một năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên có nhiều đợt kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ nhiều tồn tại, vướng mắc trong triển khai các dự án.

Nhờ đó, tiến độ triển khai các dự án có sự thay đổi rõ rệt, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận 9 điểm sáng.

Thứ nhất, tổng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của các công trình giao thông trọng điểm đạt trên 50%, cao hơn trung bình của cả nước.

Thứ hai, các dự án còn tồn đọng về pháp lý cơ bản được giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai.

Thứ ba, dự án giai đoạn 2017-2020 được kịp thời tháo gỡ về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cấp mỏ vật liệu xây dựng… tạo điều kiện để các đơn vị triển khai thi công “3 ca 4 kíp” nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Đến nay, hoàn thành đưa vào khai thác 8/11 dự án, trong đó có 1 dự án BOT, 7 dự án đầu tư công, với tổng chiều dài 518km. 

Thứ tư, các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị khởi công được các bộ, ngành, địa phương phối hợp tích cực, hoàn thành nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư, bố trí, phân bổ và điều chỉnh vốn; trình các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề thủ tục pháp lý…; bảo đảm đủ điều kiện chuẩn bị khởi công nhiều dự án trong thời gian tới.

Thứ năm, các dự án đường bộ cao tốc triển khai theo phương thức PPP được điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai; nhiều thủ tục được đẩy nhanh, rút ngắn thời gian; thực hiện công khai, minh bạch hơn...

Thứ sáu, các địa phương huy động, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt công tác vận động người dân để hoàn thành tốt công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng các tiến độ yêu cầu.

Đặc biệt tại TP. Hà Nội và TP.HCM nơi có mật độ dân cư lớn nhưng tích cực triển khai để bàn giao mặt bằng các dự án với tỷ lệ cao. Đây là sự cố gắng rất lớn, bước đột phá về triển khai so với các dự án trước đây.

Thứ bảy, ghi nhận sự cố gắng nỗ lực, đánh giá cao của các chủ đầu tư khắc phục những bất cập, rút kinh nghiệm các vướng mắc để thực hiện đạt kết quả khả quan; trong đó ACV có tiến bộ bước đầu triển khai dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1.

Thứ tám, sự nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu trong thời gian qua, “vượt nắng, thắng mưa”, thi công hoàn thành đúng tiến độ; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản lý để hợp lý chi phí, tăng lợi nhuận; thực hiện tốt phương châm khó khăn chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

Thứ chín, sự chủ động triển khai, phối hợp tích cực trong phạm vi được giao giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề chung, vấn đề khó khăn.

“Biểu dương các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp giải quyết các vấn đề khó khăn, tồn tại lâu về thủ tục pháp lý tại một số dự án để triển khai trở lại. Đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ được giao”, Thông báo số 386 nêu rõ.

GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM NGUỒN CUNG ỨNG VẬT LIỆU, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong triển khai công việc, vướng mắc ở cấp nào, cấp đó chủ động giải quyết, giải quyết có thời hạn không đùn đẩy trách nhiệm, không chuyển việc thuộc nhiệm vụ của mình lên cấp trên.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân; tỉnh Đồng Nai cần đặc biệt chú ý đối với các dự án trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, EVN và chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn thành thỏa thuận phương án di dời đường điện cao thế, cáp viễn thông...

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương hoàn thành hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3/2023.

Đối với việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, Thông báo số 386 nêu rõ Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có nhiều chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan về vật liệu xây dựng thông thường; gần đây là Thông báo số 311/TB-VPCP ngày 7/8/2023 của Văn phòng Chính phủ, Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp Ban Chỉ đạo thứ 6. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện.

Về nguồn cát cung cấp cho các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… để giải quyết dứt điểm.

Về vốn cho các dự án, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các thủ tục giao vốn, điều chỉnh vốn, phân bổ vốn cho các dự án, không phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết.

"Rút kinh nghiệm trong việc chậm trình cấp có thẩm quyền phân bổ vốn 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột", Thủ tướng đề nghị.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất chính sách cho các ngân hàng thương mại tham gia tích cực trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng chiến lược, ưu tiên, ưu đãi về lãi suất cho các nhà thầu, nhà đầu tư các dự án hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục để trong tháng 9/2023 có thể khai thác 27 mỏ được xác nhận và 27 mỏ nhà thầu trình chưa được xác nhận.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” bảo đảm hoàn thành các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 theo đúng yêu cầu của Thủ tướng.

 

Cũng tại phiên họp lần thứ 7, Thủ tướng thống nhất bổ sung các dự án đường bộ cao tốc: TP.HCM- Chơn Thành, Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Tuyên Quang - Hà Giang, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu vào danh mục và bổ sung các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua vào thành viên Ban Chỉ đạo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate