Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký Công điện số 14/CĐ – BGTVT về tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực liên quan đến hoạt động quản lý dự án để đảm bảo chất lượng, tiến độ, kế hoạch giải ngân các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do bộ này quản lý.
5 HÀNH VI NGHIÊM CẤM MÓC NGOẶC, THÔNG ĐỒNG
Công điện nêu rõ 5 nhóm hành vi mà Bộ Giao thông vận tải nghiêm cấm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trực thuộc không được mắc khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Cụ thể, một là, thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tác để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án.
Hai là, lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm theo các quy định pháp luật và quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; dàn xếp, thông thầu; quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp theo quy định pháp luật trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; có hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu; tiết lộ thông tin trong đấu thầu, dẫn đến có đơn, thư khiếu nại không đúng làm việc lựa chọn nhà thầu bị kéo dài, phức tạp.
Ba là, thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ thủ tục cho các sai sót trong công tác giám sát, kiểm định, nghiệm thu kết quả khảo sát; thông đồng với tư vấn để đưa một số loại vật liệu vào hồ sơ thiết kế, hoặc “gửi giá, nâng giá” trong hồ sơ dự toán.
Bốn là, thỏa thuận với nhà thầu về việc “chung chi” để bỏ qua các sai sót về thủ tục, chất lượng; “gửi giá” qua các nhà cung cấp vật liệu đưa vào công trình; nhũng nhiễu, gây khó khăn khi ký hồ sơ nghiệm thu, thanh toán.
Năm là, vi phạm quy định pháp luật về chuyển nhượng thầu, quản lý nhà thầu phụ không đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án thuộc bộ phải củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân sự tham gia quản lý dự án đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý dự án.
Đồng thời, xây dựng quy chế nội bộ về trình tự, thủ tục, vai trò trách nhiệm giữa các đơn vị trình, đơn vị thẩm định, người phê duyệt, đảm bảo tính độc lập trong các bước đầu tư xây dựng; xác định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đơn vị, tổ chức quản lý, điều hành dự án đảm bảo thống nhất, xuyên suốt, đạt hiệu quả cao.
PHẤN ĐẤU GIẢI NGÂN TRÊN 95%
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, tổ chức tăng mũi thi công, tăng ca kíp, tổ chức thi công cuốn chiếu, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung triển khai ngay các hạng mục đã được bàn giao mặt bằng, các hạng mục có sản lượng lớn như: cầu, hầm, đoạn nền đường đào đá khối lượng lớn..., nhằm giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023, phấn đấu tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu giải ngân, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu chủ động triển khai tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của dự án theo đúng biểu tiến độ chi tiết đã chấp thuận.
Cùng với đó, phải xây dựng tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công chi tiết đảm bảo khoa học, có tính khả thi gắn với điều kiện thực tế công tác giải phóng mặt bằng, khả năng cung ứng nguồn vật tư, vật liệu, điều kiện thời tiết, kế hoạch vốn bố trí.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh trong việc hình thành bộ máy, tổ chức quản lý, điều hành chung.
"Các đơn vị cũng phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhà thầu phụ, nhà cung cấp nhân sự, thiết bị, vật tư cho dự án đảm bảo quy định của hợp đồng, quy định của pháp luật có liên quan; kiên quyết xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được giao vốn đầu tư công kỷ lục trên 94.000 tỷ đồng và triển khai dồn dập nhiều dự án quan trọng quốc gia, ngành giao thông vận tải tiếp tục được đặt kỳ vọng rất lớn song, đi kèm với đó cũng là áp lực và thách thức rất lớn. Bình quân mỗi tháng, Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân khoảng 8.000 tỷ đồng.