April 14, 2023 | 18:16 GMT+7

Loạt dự án giao thông do địa phương làm chủ đầu tư đội vốn, chậm tiến độ kéo dài

Anh Tú -

Tiến độ thi công của hàng loạt dự án giao sở giao thông vận tải các địa phương làm chủ đầu tư rất chậm, vượt tổng mức đầu tư đã duyệt như: Yên Bái, Đắk Lắk... Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, khẳng định sẽ bố trí đầy đủ nguồn vốn để các địa phương tăng tốc, rút ngắn thời gian thi công...

Tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột do Ban Quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư chậm tiến độ, chi phí giải phóng mặt bằng vượt trên 330 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.
Tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột do Ban Quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư chậm tiến độ, chi phí giải phóng mặt bằng vượt trên 330 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ, chất lượng các dự án giao sở giao thông vận tải các địa phương làm chủ đầu tư.

GỠ VƯỚNG MẮC, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ DỰ ÁN HOÀN THÀNH 2023

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhắc lại nhiệm vụ giải ngân vô cùng lớn, lên đến hơn 94.000 tỷ đồng năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án theo quy định. Trong đó, kế hoạch vốn giao 20 dự án cho 19 sở giao thông vận tải giá trị khoảng 2.850 tỷ đồng, chiếm 3% tổng số vốn được giao của Bộ Giao thông vận tải.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị với tất cả các dự án do ban quản lý dự án, sở giao thông vận tải các địa phương làm chủ đầu tư có thời gian thi công trong 2 - 3 năm, nếu có thể đẩy được tiến độ thì phải tập trung tối đa.

“Các dự án có thời gian cán đích sau năm 2023 nếu có thể dồn khối lượng công việc, hoàn thành ngay trong năm nay phải cố gắng thực hiện. Bộ Giao thông vận tải sẽ bố trí đầy đủ nguồn vốn, đáp ứng tiến độ thi công dự án”, Bộ trưởng khẳng định.

Đề cập đến các dự án giao thông chậm tiến độ, không hoàn thành năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án ngay khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

“Với các dự án hoàn thành năm 2023, Sở Giao thông vận tải Hưng Yên, Hà Nam, Ban Quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu… tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, làm “3 ca, 4 kíp”, bố trí đủ mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án; khẩn khương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án theo kế hoạch”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư chủ động rà soát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được bố trí năm 2023.

ĐIỂM DANH NHỮNG DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ KÉO DÀI

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết tại Đắk Lắk hiện nay, có 30 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 20.300 tỷ đồng được giao các sở giao thông vận tải, ban quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

 

Hiện có 30 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 20.300 tỷ đồng được giao các sở giao thông vận tải, ban quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Đáng quan ngại, 10/18 dự án đang thi công thi công chậm so với kế hoạch.

Trong đó, "nhiều dự án không hoàn thành theo đúng kế hoạch trong năm 2022", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu rõ.

Còn tại Điện Biên, dự án Quốc lộ 279B do Sở Giao thông vận tải tỉnh làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành, song hiện vẫn còn khoảng 550 mét chưa được địa phương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, dự án Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương - TP. Yên Bái do Sở Giao thông vận tải Yên Bái làm chủ đầu tư bị lỡ kế hoạch do vướng mặt bằng. Tính đến hết năm 2022, sản lượng thi công dự án mới đạt 81%. Còn công tác giải phóng mặt bằng mới đạt khoảng 74%, phần mặt bằng còn lại chưa được triển khai do chi phí giải phóng mặt bằng vượt khoảng 100 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.

Dự án Quốc lộ 37 do Sở Giao thông vận tải Yên Bái làm chủ đầu tư cũng không thể về đích năm 2022, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 95%. Theo báo cáo, công tác giải phóng mặt bằng mới đạt 93%, phần mặt bằng còn lại chưa được triển khai do chi phí giải phóng mặt bằng vượt khoảng 30 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.

Dự án Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở Giao thông vận tải Hà Nam làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành yêu cầu là tháng 12/2022, song do chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương xử lý dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhà thầu chưa quyết liệt triển khai thi công dẫn đến bị vỡ kế hoạch về đích.

Đề cập đến các dự án phải hoàn thành năm 2023, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết hiện nay, tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột do Ban Quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ.

Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp, sản lượng đạt khoảng 20,1%, chậm 40% so với kế hoạch chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm kéo dài, nhà thầu chưa tập trung thi công. Theo đó, chi phí giải phóng mặt bằng vượt 331,7 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt, vướng mặt bằng nút giao Quốc lộ 26 nên không tiếp cận được công trường.

Tiến độ thi công của dự án rất chậm, có nguy cơ không hoàn thành theo kế hoạch. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với các cấp chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp, thi công cuốn chiếu, hoàn thành phần nền đường trước tháng 6/2023 vào mùa mưa hàng năm, đảm bảo tiến độ hoàn thành.

Với nhóm các dự án hoàn thành sau năm 2023, dự án Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, giai đoạn 3 do Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp làm chủ đầu tư cũng đang bị chậm tiến độ. 

Theo báo cáo, sản lượng đạt hơn 20%, chậm khoảng 0,82% so với kế hoạch. Nguyên nhân do thời gian gia tải, chờ lún kéo dài, công tác di chuyển thiết bị, vận chuyển vật liệu khó khăn, nguồn vật liệu cát khan hiếm. Cùng với đó, một số nhà thầu chưa huy động đủ máy móc, thiết bị, tài chính để thi công.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate