Chiều ngày 24/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban tháng 10 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm của Bộ Giao thông vận tải.
Theo thông tin từ cuộc họp, tính đến hết tháng 10, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân được khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm 2.991/4.877 tỷ đồng vốn ODA, đạt 61,3% kế hoạch và 27.143/45.451 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 59,7% kế hoạch.
Tính đến hết tháng 10, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân được khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước nhưng chậm hơn kế hoạch đề ra khoảng 655 tỷ đồng.
Tốc độ giải ngân hết tháng 10 của Bộ Giao thông vận tải vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước, bởi theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến cả nước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 10 khoảng 51,34% kế hoạch Thủ tướng đã giao.
Tuy nhiên, so sánh với kế hoạch đã đề ra vẫn chậm hơn khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%).
Tính riêng tháng 10, Bộ Giao thông vận tải khởi công 2 dự án gồm: dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C đoạn Km217+150 - Km247+100, tỉnh Tuyên Quang.
Về tình hình giải ngân dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 – 2020, hiện lũy kế giải ngân 11.574,9 tỷ đồng/15.484,7 tỷ đồng, vượt 7,6% so với kế hoạch và đạt 75% kế hoạch năm và còn phải giải ngân 3.909,8 tỷ đồng. Việc giải ngân sẽ tập trung đẩy nhanh ở một số dự án thành phần gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn…
Còn các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 hiện lũy kế giải ngân 2.087,4 tỷ đồng/8.591,8 tỷ đồng, vượt 56% so với kế hoạch yêu cầu, đạt 24% kế hoạch năm và còn phải giải ngân 6.504,4 tỷ đồng.
Giá trị giải ngân các dự án chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện, dự kiến tập trung giải ngân trong 2 tháng cuối năm 2022 và 1 tháng đầu năm 2023. Một số dự án chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân là Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đoạn Vân Phong - Nha Trang, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang...
Với kết quả giải ngân tới hết tháng 10 nêu trên, từ nay tới cuối năm 2022, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng, tương đương 40,1% kế hoạch.
Theo đó, riêng cao tốc Bắc - Nam được ưu tiên đến 10.414,2 tỷ đồng, chiếm gần 52% kế hoạch giải ngân cuối năm. Cụ thể, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần giải ngân khoảng 6.504,4 tỷ đồng, chủ yếu cho công tác giải phóng mặt bằng; 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng 3.909,8 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian gấp rút cuối năm, các đơn vị sẽ tập trung hoàn thành hồ sơ, thủ tục để đủ điều kiện khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 trước ngày 31/12/2022.
Ngoài ra, các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.494 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân 1.513,9 tỷ đồng và nhóm các dự án giao thông còn lại giải ngân 5.470 tỷ đồng...
Do thời hạn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo quy định chỉ còn 3 tháng (tháng 11, 12 và tháng 1/2023), tuy nhiên khối lượng giải ngân kế hoạch còn lại rất lớn 20.194 tỷ đồng, tương ứng bình quân phải giải ngân khoảng 6.731 tỷ đồng/tháng trong khi mùa mưa bão đang đến gần, sẽ tạo thách thức rất lớn để ngành giao thông vận tải hoàn thành kế hoạch.
Kết luận tại cuộc họp sau khi nghe lãnh đạo một số đơn vị báo cáo, làm rõ một số vấn đề; ý kiến của các Thứ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ và nhiệm vụ Chính phủ giao.
Nhấn mạnh thời gian còn lại của năm 2022 rất ngắn, chỉ còn 2 tháng, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải tập trung, nỗ lực hơn nữa thì mới có thể hoàn thành các nhiệm vụ đúng kế hoạch.