Chiều 29/9, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ quý 3/2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định kết quả công tác tài chính - ngân sách nhà nước đến nay rất tích cực. Tuy nhiên, không vì thế mà 3 tháng cuối năm sẽ chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo sát sao hệ thống tài chính từ trung ương đến địa phương và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan: hải quan, kho bạc, thuế, giá, công sản… hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
LÝ DO THU NGÂN SÁCH SẮP VƯỢT DỰ TOÁN
Trước đó, thông tin về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022, ông Dương Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 94% dự toán và tăng mạnh 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 83,3% dự toán, tăng 14,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 77,7% dự toán, tăng 5,9%. Đặc biệt, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã hoàn thành 87,2% dự toán, tăng ấn tượng nhất, lên tới 18,9%.
(Báo cáo Bộ Tài chính).
Cụ thể, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, thu từ dầu thô đạt 213% dự toán, tăng đột biến 103,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Còn thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chính thức vượt dự toán 8,8%; tăng mạnh 22,1%.
Tuy nhiên, theo ông Dung, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường, mới đạt 62,1% và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, đạt 59%.
Cũng theo thông tin từ đại diện Bộ Tài chính, có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; trong đó, 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ và chỉ có 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân tăng thu ngân sách nhà nước, đại diện Bộ Tài chính cho hay dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm nay là 1.411,7 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu, đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử.
Đồng thời, cải cách hành chính và hiện đại hóa tăng cường ứng dụng điện tử, triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, tăng cường số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, tạo điều kiện thuận lợi giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế... qua đó, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính chủ động bám sát tình hình, tham mưu hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành kịp thời, đồng bộ các giải pháp chính sách tài khóa như miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí..., hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát.
Trên cơ sở tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về kinh tế năm 2022 tăng trưởng 7-7,5%, xuất khẩu tăng 9,46%, nhập khẩu tăng 10,5% so với năm 2021, giá dầu tiếp tục giữ mức cao (giá dầu bình quân 9 tháng là 107,05 USD/thùng), Bộ Tài chính đánh giá cả năm thu ngân sách nhà nước ước thực hiện vượt dự toán.
Trong đó, các lĩnh vực tăng khá như thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất...
GẶP NHIỀU "VẬT CẢN", ƯỚC GIẢI NGÂN VỐN TRONG NƯỚC ĐẠT 88%
Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán.
Đáng quan ngại, riêng về chi đầu tư phát triển, giải ngân 9 tháng đầu năm, tuy giá trị có tăng so với cùng kỳ năm trước (13%) nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%); trong đó, giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 19,07% kế hoạch.
Cũng theo Bộ Tài chính, có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch; trong khi đó, vẫn còn 14 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương tỷ lệ giải ngân ì ạch, đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao.
Nhận diện nguyên nhân cản tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bà Mai Thị Thùy Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính qua quá trình kiểm tra, rà soát, có khoảng 25 vấn đề tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, phân thành 3 nhóm chính.
Đó là về thể chế, chính sách; khó khăn liên quan đến khâu tổ chức triển khai thực hiện; tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Nhận diện nguyên nhân cản tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bà Mai Thị Thùy Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính qua quá trình kiểm tra, rà soát, có khoảng 25 vấn đề tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, phân thành 3 nhóm chính.
Để đốc thúc tiến độ giải ngân, Chính phủ đã sớm thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do các Phó Thủ tướng và hai Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư làm tổ trưởng.
Cũng theo bà Dương, tất cả các cuộc họp Chính phủ cũng như Thường trực Chính phủ đều chỉ đạo phấn đấu giải ngân đến hết năm nay hoàn thành 100%.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết về phía Bộ Tài chính, dự kiến hết niên độ sẽ giải ngân 88% vốn trong nước. Trong khi đó, vốn nước ngoài chỉ hoàn thành trên 40% kế hoạch bởi gặp nhiều vướng mắc.
Cũng theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước 9 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Ngân sách Trung ương cũng chi từ dự phòng 4,61 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là bổ sung kinh phí phòng chống dịch Covid-19 cho Bộ Quốc phòng (729,8 tỷ đồng), hỗ trợ cho các địa phương (3.136 tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tạm cấp bổ sung hơn 4,1 nghìn tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thực hiện xuất cấp khoảng 28,98 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Như vậy, 9 tháng của năm 2022, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Ngân sách nhà nước thặng dư 241 nghìn tỷ đồng.