Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký văn bản số 4507 gửi các đơn vị trực thuộc Bộ yêu cầu tiếp tục tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải trong 8 tháng còn lại của năm 2022.
Năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, do đó, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên thực hiện.
Theo đó, các đơn vị cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tới toàn thể cán bộ, người lao động; duy trì việc thảo luận nội dung về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong các cuộc họp giao ban định kỳ của đơn vị...
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành phải hoàn thành tất cả các chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử được Chính phủ giao.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung, phấn đấu đến hết năm 2022, hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải và cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông.
Phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin triển khai Hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành (IOC) của Bộ Giao thông vận tải.
Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cơ quan Bộ Giao thông vận tải từ ngày 01/6/2022.
Đáng chú ý, một trong những mục tiêu được Bộ Giao thông vận tải xác định trong chương trình chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.
Để khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động cho các cán bộ tại Bộ phận hỗ trợ dịch vụ công, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải vừa đưa vào thử nghiệm trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính từ đầu tháng 5.
Trợ lý ảo áp dụng trong thực hiện 48 thủ tục hành chính có nhiều người quan tâm, cán bộ thường xuyên phải trả lời, giải đáp thuộc 2 lĩnh vực đăng kiểm (38 thủ tục hành chính) và đường bộ (10 thủ tục hành chính) như thủ tục cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô; đăng ký khai thác tuyến; các vấn đề vướng mắc, các câu hỏi thường gặp (24/7) liên quan tới vấn đề quản lý tài khoản, quản lý hồ sơ...
Theo đó, hệ thống phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải được Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các tập đoàn công nghệ thông tin triển khai theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là giai đoạn thử nghiệm công nghệ; giai đoạn 2 là giai đoạn triển khai chính thức.
Trong đó, mỗi giai đoạn gồm 3 bước là thí điểm, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hiện tại, trợ lý ảo của Bộ Giao thông vận tải đang được triển khai ở giai đoạn đầu của bước thử nghiệm công nghệ, được áp dụng để hỗ trợ, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thông qua cả hai phương thức tương tác âm thanh (Callbot - qua đầu số 1900 0318 nhánh 1) và tin nhắn (Chatbot).
Sau giai đoạn thử nghiệm, Trung tâm Công nghệ thông tin sẽ đánh giá kết quả triển khai, lựa chọn giải pháp phù hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét mở rộng triển khai trợ lý ảo hỗ trợ hơn 400 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không và đăng kiểm.
Đồng thời, Trung tâm Công nghệ thông tin sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu mở rộng ứng dụng trợ lý ảo vào nhắc việc cán bộ trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ và cung cấp một số tiện ích khác đến người dân như nhắc hạn đăng kiểm đối với các phương tiện sắp đến hạn đăng kiểm; nhắc đổi giấy phép lái xe đối với các giấy phép lái xe sắp đến hạn...
Việc đưa trợ lý ảo vào triển khai thí điểm, Bộ Giao thông vận tải kỳ vọng sẽ khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ đồng thời giải phóng sức lao động cho cán bộ bộ phận hỗ trợ dịch vụ công, hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải và tương lai đẩy mạnh và mở rộng ứng dụng AI trên tất cả các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ trưởng cũng giao Trung tâm Công nghệ thông tin là cơ quan đầu mối đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để xem xét, giải quyết.