June 17, 2022 | 12:02 GMT+7

Bỏ lương tối thiểu cao hơn 7% cho người qua đào tạo, lo không được tăng lương

Nhật Dương -

Đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng, vì vậy có ý kiến lo ngại nếu bỏ 7% lương qua đào tạo thì người lao động có thể bị thiệt chứ không phải được tăng lương…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

BỎ QUY ĐỊNH LƯƠNG TỐI THIỂU CAO HƠN 7% CHO NGƯỜI QUA ĐÀO TẠO

Theo đó, về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. 

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Một điểm đáng chú ý liên quan đến lương tối thiểu trong Nghị định mới là đã bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề. Theo đó, Nghị định 38 chỉ quy định chung mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi trả lương phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng, và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Với việc bỏ quy định lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề còn ý kiến lo ngại tiền lương của người lao động khó tăng cao hơn trong điều kiện năng lực thương lượng của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế.

Mới đây, trong tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho rằng, Chính phủ ban hành nghị định số 38/2022 về việc điều chỉnh tăng 6% lương tối thiểu vùng so với mức lương tối thiểu hiện hành, thoạt nhìn thì thấy mức tăng lương là như vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì đại đa số chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương cho người lao động đầu tháng 7/2022.

Ông Hồng cho biết, theo khoản 1b, Điều 5, Nghị định 90/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đã cho phép áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi họ đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Thực tế tại doanh nghiệp, tất cả lao động đều phải qua đào tạo mới có thể làm việc được, nên lâu nay tất cả doanh nghiệp đều áp dụng mục 1b này và lương tối thiểu vùng I đều không thấp hơn mức 4.729.400 đồng/tháng.

Đến nay, Nghị định 38 đã bỏ phần quy định trên và chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương tối thiểu cho lao động do mức đang áp dụng 4.729.400 đồng đã cao hơn mức 4.680.000 của Nghị định 38/2022. “Thực tế tất cả công nhân nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đều là lao động đã qua đào tạo và thử hỏi có công nhân nào dám tự thương lượng mức lương tối thiểu với chủ doanh nghiệp và thương lượng thành công không...?”, ông Hồng lo ngại.

Ông Hồng cũng thừa nhận, ở thời điểm hiện tại chủ doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí khi vật giá leo thang theo giá xăng dầu, nhưng người lao động cũng gặp khó khi giá cả sinh hoạt tăng cao mà lương không tăng.

NHÀ NƯỚC KHÔNG CAN THIỆP VÀO CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG CỦA DOANH NGHIỆP

Trao đổi về vấn đề này, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, luật đã quy định doanh nghiệp được xây dựng thang lương, bảng lương. Vì vậy, người lao động và tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động cần đàm phán với chủ sử dụng lao động để có hệ thống lương phù hợp. “Bây giờ phải tăng cường nâng cao năng lực của tổ chức công đoàn để đàm phán tăng lương”, ông Huân nhìn nhận.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu bỏ 7% lương qua đào tạo thì không phân biệt được người lao động qua đào tạo và không có tay nghề, do đó người lao động sẽ bị thiệt chứ không phải được tăng lương 6%.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải, Bộ luật Lao
động năm 2012 trước đây quy định Chính phủ ban hành nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp.

Căn cứ quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định một số nội dung có tính định lượng, bắt buộc trong nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương (trong đó có nguyên tắc mức lương thấp nhất của công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng).

Nội dung này chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi năng lực thương lượng của người lao động còn hạn chế, đến nay việc quy định này được đánh giá là can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp và không còn phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Vì vậy, triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Luật Lao động 2019 đã thể chế hóa, không còn quy định nội dung Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, mà để doanh nghiệp và người lao động thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.

Theo Bộ này, hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các mức lương khác cao hơn như đối với mức lương của công việc qua học nghề, đào tạo thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate